BLOG CHƯA ĐẶT TÊN là một trang nội bộ của nhóm anh em G7. Chúng ta, mỗi người một công việc, mỗi người một tuổi tác, mỗi người một gia đình, mỗi người một nỗi lo,... Chúng ta đến với nhau cùng ngắm cafe nhỏ từng giọt đắng, hàn huyên nhau chuyện trên trời dưới đất để vơi đi những căng thẳng đời thường. Blog CHƯA ĐẶT TÊN cũng cùng tiển chỉ đó. Hãy nói với nhau những lời dễ thương, ca ngợi vẻ đẹp cuộc sống, tránh những phiền hà không đáng có. Mỗi người có quyền đưa ra những quan điểm, chính kiến của mình về xã hội nhưng nếu muốn, xin bạn vui lòng chọn ở những blog khác!

Thứ Năm, 31 tháng 1, 2013

Cổ Lâm ký sự của tác giả Nguyễn Dũng Nam



     CHƯƠNG II 
CỔ LÂM TỰ VÀ BỨC THƯ NGỎ CỦA MÔN ĐỆ THIỀN PHÁI TRÚC LÂM (phần 2)

Photo 6 : Bia giếng chùa Cổ Lâm
bảy Pháp Sư đang nghiên cứu, xa hơn là … 
anh Dương ảnh giương máy ảnh lên ảnh chụp ảnh 

Lúc bấy giờ Thạch Friday lên tiếng - Nãy chừ em thấy anh Dương ảnh khoe máy ảnh của ảnh,  cô Châu cổ truy chuyện cổ của cổ làm em thấy em đi thăm chùa mà như vịt mù đi nghe sấm ! Lúc em nhìn anh Dương giương máy ảnh lên bấm cảnh cô Châu chấu lại với anh Bảy là em nghi rồi ! Chừ nói răng cho vịt hiểu sấm đây ? Châu Sử Ký triệt đường lắt léo chữ nghĩa của Thạch Friday - Ông có nghe kể chuyện ngày xưa tại có bà mô đó lên chùa nên thầy tu đổ bịnh chưa ? Thạch phòng thủ ngay - Nghe chết liền ! rồi chuyển sang tấn công - Nhưng chuyện bà Châu lên chùa tui có nghe rồi. Châu Sử Ký rút lui nhưng cũng chém vè thử thách - Ba cô đội gạo lên chùa. Một cô yếm thắm bỏ bùa cho sư … rồi cò mồi - Đội gạo lên chùa cúng làm thầy chùa phát bịnh !  Lần này thì Thạch Friday mắc bẫy - Gạo cúng thì thầy nấu cơm thầy ăn chớ phải nhai gạo sống mô mà phát bịnh ? Châu Sử Ký được lời như cởi tấm lòng - Không đổ bịnh sao lại lại có câu … sư về sư ốm tương tư, ốm lăn ốm lóc cho sư trọc đầu ! đến đây thì miệng lưỡi như Thạch cũng đâm ra ú ớ, may có Thi Ngân Khố nhảy vô - Trời đất ! Đi chùa mà nói năng kiểu ni mấy ông thầy tống khứ ra bây giờ ! - Tui đã vô đâu mà tống ra ! -  Quỷ thần ơi ! Ông say mì Phú Chiêm à !  Thiệt hết biết họ muốn nói chi …
Thế rồi chúng tôi cùng nhau lên chùa. Cô Minh Châu tuy không được giao nhiệm vụ nhưng cũng đã sốt sắng cùng với Lâm Hoa Kiều sắp sẵn hoa quả mang theo để vào cúng Phật và không ai khác, tất nhiên là vậy, Bảy Pháp Sư nhận thỉnh chuông cho anh em hành lễ. May mắn là cùng lúc ấy quí sư thầy cũng vừa chuẩn bị công phu. Buổi trưa. Không gian tĩnh mịch. Cảnh chùa vắng lặng. Trời trong và sáng. Mây trắng điểm xuyết mấy tầng không. Tiếng chuông chùa ngân trong thinh âm.
Photo 7 – Bên trong chánh điện
 chùa Cổ Lâm trước giờ công phu trưa

Lễ Phật xong mọi người tản đi theo ý riêng nên người viết cũng thực hiện ý đồ của mình là tìm xem cái sa bàn chùa mới, như thấy trên báo, đặt ở đâu.
Thì ra mô hình chùa mới được lồng kính và đặt ngay trước hiên chánh điện và gần đó bên phải còn là Bức thư ngỏ được phóng lớn đóng khung hẳn hoi. Chắc do vì đã để lâu ngày và do vì đang trong quá trình xây dựng nên bụi bám trên các thứ trưng bày này hơi nhiều. Nhìn tổng thể mô hình ngôi chùa trên sa bàn chúng ta có thể hình dung được qui mô của ngôi chùa trong tương lai trước bối cảnh thực tế được nêu trong bức thư ngỏ, xin được trích mấy đoạn như sau:
(Trích) … Tổ đình Cổ Lâm tọa lạc trên ngọn đồi Am Thông thuộc thôn Hà Nha, xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, do Tổ Chương Lý hiệu Trí Quang thuộc Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh đời thứ 38 khai sơn cách nay hơn 300 năm … nguyên thủy là một thảo am, dùng làm nơi tu niệm … đến năm 1940, HT. Thích Đồng Phước xây dựng chánh điện, nhà Tổ, nhà Đông, nhà Tây và cổng tam quan … năm 1968 chùa bị đạn bom tàn phá đổ nát ... năm 1985 được trùng tu lại …. Tổ đình Cổ Lâm là một trong những ngôi chùa mang nhiều dấu ấn lịch sử, nhất là phong trào Duy Tân, có nhà chí sĩ yêu nước Trần Cao Vân xuất gia tu học với pháp danh Như Ý … năm 2008 được công nhận di tích Lịch sử Cấp Tỉnh. Ngày xây dưng 25 thắng Giêng năm Tân Mão nhằm 27/02/2011) Hòa thượng Thích Như Tín và Thượng tọa Thích Như Thọ.
Photo 8 – Mô hình Chùa Cổ Lâm
Xem mô hình, đọc nội dung thư ngỏ và quan sát công trình chùa đang xây dựng trước mắt, chúng tôi hình dung ở đây đang có một nỗ lực phi thường, một quyết tâm kiên định, một phát nguyện to lớn của chư Tăng Ni và Phật tử Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh tại Quảng Nam nói riêng và của cả nước, có thể cả ở nước ngoài nói chung, để trùng tu, đứng hơn là để xây dựng lại ngôi chùa xưa đã mất. Nếu tính ra thì việc xây dựng lại Cổ Lâm Tự, căn cứ vào ngày tháng ghi trên thư ngỏ, 27/02/2011 cho đến ngày chúng tôi đến thăm, 16/12/2012, cũng đã gần 2 năm (22 tháng hơn), và nếu đối chiếu mô hình trên sa bàn và thực tế đang thi công thì công trình chỉ mới là bước đầu. Tìm hiểu ra mới biết chùa Cổ Lâm (mới) được thiết kế theo kiểu “nội Công ngoại Quốc” là kiểu chùa có hai hành lang nối tiền đường với hậu đường, làm thành một khung hình chữ nhật bao quanh lấy thượng điện ở giữa. Bố cục mặt bằng chùa có dạng bên trong hình chữ Công còn phía ngoài có khung bao quanh như chữ Quốc nên gọi là nội Công ngoại Quốc vậy ! Ngoài ra , trong chùa còn có các công trình xây dưng khác như nhà tăng, nơi ở các các sư và một số kiến trúc khác như ngác chuông, tháp và cổng tam quan.               Chính điện: Nhà chính điện là phần quan trọng nhất của ngôi chùa vì nơi đây là điện thờ Phật. Hành lang: Chạy song song với chính điện, nối chính điện với hậu đường là hai gian hành lang, tạo thành một nhà ba gian. Hậu đường: Qua nhà chính điện, theo đường hành lang ta đến nhà tăng đường (còn gọi là nhà hậu đường), cũng còn gọi là nhà tổ. Nhà hậu đường ở một số chùa tiếp ngay sau nhà chính điện, ngay sau phía bàn thờ Phật.
Photo 9: Một phần công trình
xây dưng Chùa đang hoàn thiện
Có một điều muốn hỏi nhưng lại thôi. Với người viết ký sự này là vì chuyện vợ khen vừa mới kể. Không hỏi nên chăng được nghe trả lời. Không có câu trả lời thì đoán định non già vậy. Việc là thế này - trên Bia Di tích ở cổng Chùa ghi: CHÙA CỔ LÂM ĐƯỢC UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM CÔNG NHẬN LÀ DI TÍCH LỊCH SỬ THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 1152 NGÀY 16 THÁNG 8 NĂM 1997 còn trong Thư Ngỏ kêu gọi trùng tu Chùa do nhị vị Thượng Tọa Như Thọ và Hòa Thượng Như Tín đứng tên ghi: NĂM 2008 CHÙA CỔ LÂM ĐƯỢC CÔNG NHÂN DI TÍCH LỊCH SỬ CẤP TỈNH. Vì  sao lại có sự khác biệt, đến 11 năm ? Nhầm ? Mà sao lại nhầm được cơ chứ ?  Chẳng hay khi đọc chương II của ký sự này, bảy người còn lại của chuyến đi cũng như mười mấy hội viên nhóm G7, sẽ có ai hỏi thêm và có ai trả lời được mắc mứu này không ? Mà hỏi thì hỏi ai ? Đành chờ. Trong khi chờ đợi xin đưa ra giả thiết là năm 1997 Tỉnh đã có quyết định công nhận di tích lịch sử nhưng vì lí do nào đó mãi đến năm 2008 mới công bố hoặc nhà Chùa mới nhận nên hai bên mỗi bên ghi theo ý của mình - Người lập bia di tích Chùa lấy ngày tháng ký quyết định công nhận làm căn cứ, Chùa được công nhận là di tích thì lấy ngày nhận quyết định làm căn cứ. Chênh nhau đến mười một năm ! Ngày tháng thoi đưa. Vật đổi sao dời ! Nhưng dẫu sao thì bia đá … vẫn còn trơ trơ !

Nhờ tiếp chuyện với Thầy Hạnh Đạt và Hạnh Nguyên tại chùa nên chúng tôi mới biết Thầy Trần Lanh, như một bài báo nêu tên, chính là thế danh của Hòa Thượng Như Lợi, đương trụ trì Cổ Lâm Tự. Trước đây bài báo viết thế nên chúng tôi, lúc chưa đến, cứ đoán già đoán non là chùa không có Thầy còn “ông này” chắc là cư sĩ (!); bây giờ thì mối nghi hoặc này lại chuyển sang hướng khác là vào buổi đó người viết đã tránh nhắc đến pháp danh mà nêu thế danh cho cho câu chuyện nó đời hơn ! Cũng là đoán già đoán non vậy thôi. Tệ một nỗi là chúng tôi cứ mãi gọi là Thầy mà không biết danh xưng hay “cấp bậc” của các vị. Về nhà lục lọi trên Báo Giác Ngộ thấy bài viết của Thích Chân Tuệ là câu trả lời nên copy lên để coi ... cứu.

Trích … 1) Năm 20 tuổi đời, vị xuất gia thụ giới tỳ kheo được gọi là Đại Đức. 2) Năm 40 tuổi đời, vị tỳ kheo được 20 tuổi đạo, được gọi là Thượng Tọa. 3) Năm 60 tuổi đời, vị tỳ kheo được 40 tuổi được gọi là Hòa Thượng. Đó là các danh xưng chính thức được xét duyệt và chấp thuận, tấn phong bởi một Hội đồng Giáo phẩm có thẩm quyền nhân dịp Đại lễ . Các vị trên 80 tuổi đời, được tôn xưng là Đại Lão Hòa Thượng hayTrưởng Lão Hòa Thượng. Tuy nhiên, khi ký các thông bạch, văn thư chính thức, chư tôn đức vẫn xưng đơn giản là Tỳ kheo, hay Sa môn .Vài xưng hô khác trong đạo như : Sư ông, Sư cụ thường dành gọi vị sư phụ của sư phụ mình. Một danh xưng nữa là Pháp sư, dành cho các vị xuất gia có khả năng và hạnh nguyện thuyết pháp (pháp) độ sanh. Ngoại đạo có khi dụng danh xưng này chỉ các ông bà thầy pháp, thầy cúng. Danh xưng Sư tổ được dành cho chư tôn đức lãnh đạo các tông phái còn tại thế, và danh xưng Tổ sư được dành cho chư tôn đức đã viên tịch, được hậu thế truy phong vì có công lao trọng đại đối với nền đạo…

Vài anh em trong nhóm Cafe Tam Kỳ
Đến đây thì phải mở ngoặc đơn để xin thưa rằng - Bài viết trên nói về danh xưng trong Phật Giáo,  riêng với nhóm G7 Tam Kỳ chúng tôi thì danh xưng Pháp Sư chỉ được dùng trong nội bộ của nhóm, theo ý chí của nhóm, không liên quan gì đến danh xưng thầy pháp thầy cúng ngoài đời, cũng chẳng dính dáng chi đến danh xưng pháp sư trong đạo. Pháp Sư của chúng tôi là sản phẩm duy nhất, là không đụng hàng, là tài sản riêng của chúng tôi. Thế thôi ! Giáo ngoại biệt truyền, bất lập văn tự … nên chớ hỏi thêm.
Hết chương II
(Còn tiếp: Chương III - Cổ Lâm Tự và Như Ý - Trần Cao Vân)


Thông tin trên mạng


 Hà Nội…ăn, ngủ

Bát phở giá bằng cả tạ thóc
Ăn sáng bằng một tô phở 650.000 đồng, ăn tối trong một căn phòng vàng và đêm đến thì ngủ ở một khách sạn với giá 6.200 US đô la một đêm...? Hà Nội là nơi có thể thỏa mãn bất cứ ai có tiền bằng những dịch vụ đắt tiền như thế.
Trên những con phố Hà Nội chật chội, ngột ngạt vì kẹt xe, vỉa hè ngập tràn những quán vịt om sấu hay bún ốc, ít ai ngờ rằng thủ đô có những chốn “xứng danh kim tiền” đến vậy.
Ấn tượng đầu tiên về khách sạn Grand Plaza Hà Nội khánh thành mới đây trên đường Trần Duy Hưng, gần Trung tâm hội nghị quốc gia, là từ sảnh lớn cho tới nhà vệ sinh đều dát kim loại màu vàng. Khách sạn có 618 phòng khách cao cấp và phòng hạng sang cùng nhiều nhà hàng mang nhiều phong cách ẩm thực, phòng tiệc, hội nghị...

Có hai phòng tổng thống với giá cao ngất: phòng 325m2 giá 3.900 USD/đêm, còn phòng 410m2 giá 6.200 USD/đêm, tức hơn 125 triệu đồng. Kim loại màu vàng dát đầy trên các chi tiết trang trí trong phòng, theo như lời kể của ban quản lý khách sạn. Bước vào căn phòng này, sờ tay vào cái giường ngủ của “tổng thống”, ta có cảm giác như mình đang bước vào một bảo tàng kim hoàn.

Nếu đã ở phòng “tổng thống” thì sao không đi ăn tối theo kiểu “hoàng đế”, với một phòng ăn được gọi là phòng vàng tại nhà hàng Long Đình trên phố Quán Sứ? Nhà hàng này nhìn bên ngoài cũng khá bình thường, nhưng có thêm những phòng ăn đặc biệt gọi là phòng vàng, phòng bạc. Những ly tách muỗng nĩa trên bàn lấp lánh màu của kim tiền. Thực đơn của quán toàn những món với tên gọi hào nhoáng và tiền thì tất nhiên cũng... xả láng. Cô Phạm Thị Vân Anh, phụ trách PR của công ty sở hữu nhà hàng này, cho biết một bát xúp vi cá giá 72 USD, một bữa tiệc có giá ít nhất cũng 800 USD


 Anh Việt, một doanh nhân Hà Nội từng mời bạn hàng Trung Quốc đến nhà hàng Long Đình, kể: “Người ta đến đây để hưởng cảm giác yến tiệc hơn là để ăn. Hôm đó năm người, tôi phải thanh toán hết gần 2.000 đô...” - anh cười. Cung cách phục vụ như thế nào là tùy theo ý muốn của khách, nhưng theo giới thiệu của nhà hàng thì khi ngồi ở phòng vàng, thực khách được phục vụ như “hoàng đế”.


Bát phở bò này có giá 650.000 đồng, bằng giá một tạ thóc nếu tính giá cao 6.500 đồng/kg. Nhưng “có người sáng nào cũng ăn, có người kéo cả gia đình ba bốn thế hệ đến thưởng thức, thanh toán tiền ăn sáng hết vài triệu đồng là chuyện bình thường” - ông Tô Lâm, tổng giám đốc khách sạn Vườn Thủ Đô kiêm ông chủ nhà hàng trong khuôn viên khách sạn, nơi duy nhất ở Hà Nội bán loại phở bò đắt khủng khiếp này, kể về khách hàng của mình. Bãi đỗ xe nhà hàng chật ních những loại xe sang trọng, đắt tiền như Porche, Lexus...
Có gì khác biệt giữa hai loại phở? Phở Sagagyu 650.000 đồng được đặt trong tô bằng sứ có mạ vàng với một cái muỗng cong, còn bát phở bò Mỹ 125.000 đồng đặt trong tô thường, muỗng thẳng. Cũng khác biệt so với phở thường nữa là ở chỗ nhân viên chỉ mang bát phở có nước dùng ra, phần thịt bò được thái mỏng bằng máy và bọc trong một đĩa riêng để khách hàng tự tay nhúng. Khi cho vào bát phở chỉ sau chốc lát thịt bò đã chuyển từ màu đỏ sang màu sẫm. Cho vào miệng nhai có cảm giác miếng thịt tan rất nhanh, mềm, đậm đà và thơm. Ngoài ra còn có loại phở Kobe giá 500.000 đồng chế biến từ thịt bò Kobe, hoặc “mềm” hơn là phở Wagyu với thịt bò Úc có giá 220.000 đồng.
Làm khách sạn hơn 20 năm, bán phở đã năm năm nhưng chỉ hơn một năm trở lại đây ông Lâm mới bán phở bò Kobe . Ban đầu ông chỉ có mong muốn đơn giản là mang đến cho khách hàng những món ăn truyền thống đậm đà hương vị xứ Bắc. Nhận thấy thị hiếu khách hàng đất Hà thành ngày càng cao, ông quyết làm một bước đột phá: bán loại phở bò thượng hạng. Không ngờ món phở bò “quý tộc” này lại thu hút nhiều khách hàng đến vậy.

Ông Tô Lâm cho biết mặc dù đắt đỏ là vậy, nhưng nhiều hôm cả ba nhà hàng của khách sạn phục vụ 150 suất ăn một lúc vẫn bị quá tải. Lượng khách thưởng thức món phở này khá phong phú nhưng theo lời ông Lâm, hầu hết là giới doanh nhân tiếp đối tác, bàn chuyện làm ăn. Khách cuối tuần thường là gia đình giàu có.
Đứng dậy cầm hóa đơn thanh toán, dù biết trước giá cả nhưng chúng tôi không khỏi “xót ruột” khi trả hơn 800.000 đồng cho hai bát phở bữa sáng. Chợt nghĩ tới hóa đơn thanh toán của những người kéo cả gia đình đến ăn sáng bằng phở bò Kobe . Giá tiền trả cho một bát phở Sagagyu có thể đủ cho một bữa tiệc 5-6 người với vịt om sấu và rượu vodka - món ăn thuộc loại thịnh hành nhất trên vỉa hè Hà Nội hiện nay.
Hà Nội còn rất nhiều thứ xa hoa khác đang phô diễn trên những “ngõ nhỏ, phố nhỏ”, từ những chiếc xe siêu sang cho đến những cửa hiệu thời trang dành cho người có thu nhập rất cao. Những thương hiệu thời trang danh tiếng nhất trên thế giới khi vào Việt Nam vẫn chọn Hà Nội là điểm đến đầu tiên. Chẳng hạn như nhãn hiệu Hermes tại Việt Nam hiện chỉ có ở Hà thành, trong một khách sạn nổi tiếng nhất tại trung tâm thành phố. Và bây giờ là khách sạn 6.200 USD/đêm, là bữa tiệc vàng...
Thịt bò Kobe là đây
Còn bò Kobe hay Sagagyu? Vấn đề khiến người ta ngỡ ngàng không phải ở chỗ nó là món thịt đắt nhất vì chúng vẫn được bán nhiều trong các nhà hàng khác ở Việt Nam đấy thôi, mà là chuyện nó nằm trong một tô phở - món ăn vẫn bán đầy vỉa hè ngoài kia. Chẳng đâu xa, chỉ cần bước ra khỏi Vườn Thủ Đô mấy trăm mét, ta gặp ngay một cái bàn ven đường dưới tấm vải bạt, nơi những sinh viên, công nhân đang xì xụp những tô phở 15.000-20.000 đồng nghi ngút khói!
Tin RFA, thống kê của Bộ Công thương của Viêt Nam công bố trong năm 2010, Việt Nam CS đã “nhập khẩu“ những mặt hàng xa xỉ lên đến 10 tỷ đô la. Ô tô và xe máy chỉ chiếm khoảng 1 tỷ đô la, trong khi “hàng hiệu” được xem là xa xỉ phẩm như: điện thoại di động loại mới, mỹ phẩm, rượu bia, thuốc lá, đồ trang sức, đá quý và quần áo loại sang chiếm 9 tỷ đô la.

Vũ Thanh Bình- Lâm Hoài
                                                                    
                                                                        

                                                                        

Thứ Năm, 24 tháng 1, 2013

Ghi lại để nhớ


CHUYỂN ĐỔI TRỰC TUYẾN TỪ FILE ĐUÔI PDF SANG WORD

Trong bài viết trước, chúng tôi đã hướng dẫn các anh chị chuyển đổi một file word sang PDF. Với file đuôi PDF, về cơ bản văn bản không thể chỉnh sửa được. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, cần chỉnh sửa nội dung, ta cần thiết phải đổi ngược lại từ file đuôi PDF sang word. Trong bài viết này, chúng tôi  sẽ giúp các bạn thực hiện điều đó bằng cách: Chuyển đổi trực tuyến file đuôi PDF sang word.
Thưa các anh, hiện nay trên mạng có rất nhiều trang cho phép chuyển đổi trực tuyến các file đuôi PDF sang word, trong đó có trang http://www.pdftoword.com/
Sau đó thực hiện 4 bước như trong hình.
Chúc thành công!


                                                                         ĐƯỢC


                                                   Sống một kiếp người bình an là được
                                                   Hai bánh, bốn bánh miễn chạy là được
                                                   Tiền ít tiên nhiều đủ ăn là được
                                                   Người xấu người đẹp dễ coi là được
                                                   Người già người trẻ miễn khỏe là được
                                                   Nhà giàu nhà nghèo thuận nhau là được
                                                   Ông xã về trễ miễn về là được
                                                   Bà xã càu nhàu thương mình là được
                                                   Tiến sĩ cũng được, bán rau cũng được
                                                   Tát cả phiền não miển xả là được
                                                   Kiên trì cố chấp biết quên là được
                                                   Bạn bè xa gần nhớ nhau là được
                                                   Không phải nhiều tiền muốn gì cũng được
                                                   Tâm tốt, việc tốt số mệnh đổi được
                                                   Ai đúng ai sai trời biết là được
                                                   Tích đức tu thân kiếp sau sẽ được
                                                   Thiên địa vạn vật tùy duyên là được
                                                    Nói nhiều như vậy miễn được là được
                                                   Vẫn còn chưa  hiểu xem lại là được.
                                                                                      Huỳnh Triều Sưu tầm

Thứ Tư, 23 tháng 1, 2013

Cổ Lâm ký sự của tác giả Nguyễn Dũng Nam



     CHƯƠNG II 
CỔ LÂM TỰ VÀ BỨC THƯ NGỎ CỦA MÔN ĐỆ THIỀN PHÁI TRÚC LÂM (phần 1)


Cổng tam quan của Chùa, như trong hình chụp cũ chúng tôi có được, không còn nữa, mà trên mặt đất la liệt, ngỗn ngang gạch vụn với hằng mấy chục bậc cấp dẫn lên chùa đang trong giai đoạn trùng tu gạch vữa dở dang, và phía trên cao kia thoáng hiện mái Chùa mới lợp.  Khi anh chàng phó nháy của nhóm, là chuyên gia Hán Nôm chứ không ai khác,  giương máy ảnh lên chụp tấm bia Di Tích Lịch Sử ở gốc đại thụ bên trái cổng chùa thì cùng lúc cô giáo Sử, khách mời của Nhóm, cau mày ! Đến lúc coi lại mới biết cái cau mày này là thể hiện sự không bằng lòng khi thấy lời dặn - Không được làm tổn hại đến di tích - được khắc nhòe nhoẹt, nhếch nhác, nhộm màu đen là giòng cuối trong lòng văn bia, trong khi nội dung phía bên trên được khắc âm vào mặt đá sắc sảo bằng chữ in sơn màu đỏ như sau … (trích)  CHÙA CỔ LÂM ĐƯỢC UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM CÔNG NHẬN LÀ DI TÍCH LỊCH SỬ THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 1152 NGÀY 16 THÁNG 8 NĂM 1997.   Nếu lời dặn kia được thể hiện ở một bảng, loại bảng thông báo nhắc nhở, khác thì hơn.

Photo 5 – Bia công nhận Di tích Lịch sử 
cấp Tỉnh Chùa Cổ Lâm
Sau mấy chục phút ngỡ ngàng pha chút bất ngờ của hạnh phúc vi hành đến đích, phó đoàn kiêm thủ quỹ Thi Ngân Khố kêu cả nhóm lại để phân phát thêm nước uống đóng chai và móc túi lấy bài báo photo ra đọc ậm a ậm ừ  … đường vào chùa băng qua một cánh đồng ruộng bậc thang …a … a …thoáng đãng, ngôi chùa nằm trên một ngọn đồi khá cao ư … ư … đất rộng chừng 3 hécta. Qua khỏi cổng tam quan, bước lên những bậc tam cấp chúng ta bắt gặp ư … ư … rồi tiếp - đó, thực tế đang chứng minh bài báo viết đúng sai thế nào rồi !

Mặc cho … ruộng bậc thang chẳng thấy đâu, dù cho … cổng tam quan chỉ còn là gạch vụn và chỉ có … nước đóng chai là có thật đi nữa thì mỗi người vẫn nhận một chai nước rồi tản ra dưới bóng của mấy cây râm mát bên phải và trái cổng chùa. Bảy Pháp Sư, tất nhiên là sánh vai, cùng Châu Sử Ký tác nghiệp ngay.

Bạn đọc sẽ bị bất ngờ khi nghe danh Châu Sử Ký ở đây nhưng cũng nhờ vào cái sự đường đột này nên các bạn sẽ nhận được cái vé-rì só-ri (very sorry) ngập đầy sự cảm thông của người viết do vì hắn ta không kìm hãm được sự nôn nóng cho nhân vật đặc biệt này xuất hiện càng chính danh định phận càng tốt trong biên niên sử của nhóm và càng đàng hoàng rực rỡ càng tốt trong ký sự này. Nghe kêu Châu Sử Ký thì dễ tưởng là một mày râu do cái thanh âm chẳng mềm mại nuột nà mà cứ lên thác xuống ghềnh khúc khuỷu của Châu … Sử … Ký; rồi lại liên tưởng mày râu này nếu không là Chợ Lớn chính hãng thì cũng là Minh Hương chính chủ chớ chẳng chơi và xét theo quan hệ cục-bộ-nhóm thì nếu không là gu-chang của Lâm Hoa Kiều thì cũng có thể là chiêu-phu của Dương Tiến Sĩ. Ấy chết, lại phải só-rị hai ông nạn kiều, Lâm Hoa Kiều và Dương Tiến Sĩ, nữa rồi và cũng phải bóp còi thắng gấp ngay chân Bảy Pháp Sư để được khúm núm chú thích rằng - người viết có lần xem phim Hồng Công, có nghe xưng hô với nhau là gu-chang và chiêu-phu, chừ hiểu rồi nên dùng thử chớ lúc đó thì không hiểu, sau về hỏi lại bà xã ở nhà, vốn có gốc gác người Hoa, mới biết gu-chang tức cô trượng là Dượng là chồng của Cô hoặc Dì, còn chiêu-phu tức cự phụ tức Cậu là anh hoặc em của Mẹ, trong tiếng Hoa ! Giải thích xong vợ còn khen - Chồng em học rộng hiểu nhiều nên thấm thía được ý của câu ngạn ngữ phương Tây - hỏi một câu chỉ dốt trong chốc lát, nhưng không hỏi sẽ dốt nát cả đời . Được lời như cởi tấm lòng mới xăng xái hỏi tiếp – Còn cái ni là cái chi ? Ôi, các quí bạn có biết cái được nói đến là cái gì và phu nhân của người thông minh này trả lời sao không - Ôi, chồng em học rộng mà không thông minh, bởi người thông minh biết học cách hỏi hợp lí, cách lắng nghe chăm chú và ngừng hỏi khi cần, bởi vì không phải bất cứ câu hỏi nào cũng đáng được trả lời ! Kể đến đây thấy lành lạnh, nếu coi kỹ sẽ thấy da gà trên cánh tay vì cái rờn rợn của lời vợ dạy như vẫn âm âm vang vang trong gió. Trời buổi chiều trên đồi Cổ Lâm cũng có gió thật !

Rõ là cà kê dê ngỗng quá rồi phải trở lại chủ đề - nàng là ai ? Xin thưa ! Chớ nghe âm dễ lầm chuông với khánh. Xin kính báo - đây là một mỹ nhân đương triều lúc Dương Tiến Sĩ cầm chịch Tế tửu Quốc Tử Giám Quảng Nam, là biệt danh của Minh Châu được Chủ tịch hội tuyên đặt, sau chuyến đi, để kính cẩn cảm tạ về việc một bức tranh thêu chữ Phật Tâm, do chính tay nàng chăm chút từng mũi kim mà có, đã có chỗ treo trang trọng qua bàn tay chim xanh của Thạch Friday, chứ đang lúc này, lúc Thi Ngân Khố phát chẩn xong và lúc cặp chuyên gia Hán Sử đang tranh hùng (nhái Hán Sở đó mà)  chỗ tấm bia giếng thì đã có tên này đâu ! Tiện thể cũng nói luôn là Minh Châu đã tuyên bố xin gia nhập nhóm, đã có qùa cáp thông quan như đã kể trên, nên đã trở thành hội viên mẹ chị thứ 3. Pháp Sư cũng đã chọn ngày lành tháng tốt để mở tiệc khoản đãi linh đình tại nhà Yến Hoa Kiều rồi. Ai chưa tin thì tìm đọc thêm tại Họp mặt đầu năm - Sự khởi sắc của 2013- G7  của Ngọc Bảy và Có gì mới trong những ngàyđầu năm của Anh Dũng cùng trên blog này. Đọc hai cái đó mới hiểu vì sao và  mới thấy làm sao mà của ngon vật lạ được nhặt nhạnh, thu gom từ mọi miền của Tổ quốc trong những chuyến điền dã, vi hành, công cán khác nhau của một số hội viên được đi đây đi đó đã được mang đến nhân buổi tiệc đặc biệt này. Nói ra thì người có của đem đến cũng thèn thẹn nhưng cũng vênh vênh, ấy là hễ mừng thành viên mới, đặc biệt là em gái bà Trưng bà Triệu, thì dẫu ở nhà bu nó và bầy trẻ có ăn nhín nhịn thèm đến mấy đi nữa thì … của ngon, vật lạ cũng đều được xởi lởi mà mang theo tất. Cứ xem hai cái này sẽ rõ. Người viết xin trở lại chỗ cái giếng xem chuyện gì đang xảy ra.

Tại chỗ nền giếng, nhiều người đang túm tụm lại. Phát hiện đầu tiên mà Pháp Sư kêu cả nhóm đến nghe và coi là tấm bia xi măng dựng phía trên hai giếng trước gần lối đi bên phải lên chùa . Tấm bia không cao to lắm, chế tác cũng  đơn giản bằng xi măng. Bảy Pháp Sư cứ thì thầm, ừ hử điều gì đó với Châu Sử  Ký coi bộ tâm đắc lắm rồi đem máy ảnh ra chụp cận ảnh mấy kiểu còn Dương Tiến Sĩ thì chạy ra xa chụp toàn cảnh. Sau khi chộp được cái toàn cảnh này Dương Tiến Sĩ mới e hèm lên - Có chi bí mật thì cũng bật mí cho anh em biết với chứ đợi đến khi có công đoàn đến dự mới tuyên bố à Thầy Bảy ! Tiến sĩ nói “có công đoàn đến dự” là nội dung câu chữ đầy dụng ý, có ám chỉ, nên Bảy Pháp Sư đón đường ngay - Dạ có chờ chi mô anh. Chẳng qua là có cái máy ảnh mới mua nên chờ công đoàn đến khoe một cái rồi tuyên bố ngay anh à ! Hóa ra là Dương Tiến Sĩ mới sắm được một cái máy ảnh xịn trong chuyến công tác Thái Lan, bữa nay là lần đầu tiên khui niêm tác nghiệp mà không rửa nên Pháp Sư nhắc khéo đó mà ! Lúc này mới thấy Châu Sử Ký cười toe. Nhìn nụ và nghe tiếng cười này mới hiểu hết được ý nghĩa câu nói - Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ là nó nghiệm vào đâu !  Đến lúc này Bảy mới nghiêm túc đọc các giòng chữ trên bia như sau: CUNG BIÊN NGỌC TUYỀN KIM TỈNH THỦYTRIẾT LONG CUNG CHỨNG MINH (dòng giữa). CỔ LÂM TỰ CHỦ TỰ TỊNH BỔN TỰ ĐỒNG TẠO LẬP(dòng bên trái). PHẬT LỊCH NHỊ THIÊN NGŨ BÁCH THẬP BÁT NIÊN TUẾ THỨ ẤT MÙI THU NGOẠT CÁT NHỰT(dòng bên phải). NGUYÊN VĂN HÒA THƯỢNG THÍCH ĐỒNG PHƯỚC PHỤNG LẬP(dòng bên dưới) rồi giảng giải như sau -  nội dung văn bia nói là : để TÔN KÍNH THẦN GIẾNG CHỨNG GIÁM BAN  CHO MẠCH GIẾNG nên SƯ TRỤ TRÌ CHÙA CỔ LÂM là ĐỒNG PHƯỚC DỰNG BIA GHI NHỚ vào một NGÀY LÀNH THÁNG TỐT của MÙA THU NĂM ẤT MÙI. Pháp sư giảng thêm - dựa vào nguyên văn câu chữ thì tấm bia ni được ông Đồng Phước trụ trì nhà chùa lập năm Ất Mùi 1955 tức Phật lịch 2499 nhưng chắc là do biến cố chiến tranh hay hư hại sao đó nên được dựng lại năm 1974 Phật lịch 2518. Nói sao nghe vậy. Nhưng dẫu sao thì cổ nhân cũng đã làm một việc ý nghĩa là sau khi khơi được nguồn mạch quí, sư trụ trì đã lập bia ghi nhớ và chính nội dung trên tấm bia này đã giải thích ngay những thắc mắc đầu tiên của nhóm hành hương chúng tôi. Người dẫn đường, Liêm kỳ cọ hay Liêm Thư Pháp, tham gia nhóm, liền xuất khẩu thành thơ - Tay cầm chai nước đóng chai. Đọc văn bia đá thờ hai giếng chùa ! Kể cũng mau miệng và kể cũng tả chân lắt léo vì ngay tại nơi có hai cái giếng mạch tốt (như bia) mà người lại uống nước đóng chai !

Thấy Liêm Thư Pháp thả cóc ra đường sớm Châu Sử Gia lên tiếng: - Này anh hướng đạo ! Anh làm … vè hay vậy chớ anh có biết hồi xưa cụ Trần Cao Vân ở đây tức vào khoảng các năm 1885 đến 1891 giếng này chưa có, lúc đó nhà chùa uống nước ở giếng mô hè ? Thì ra nhà nghiên cứu sử của chúng ta đang tự thắc mắc chứ … giếng mô hè … thì ai mà biết được, nếu rủi mà có biết thì cũng sử gia biết trước chứ bọn sử … dại như chúng tôi làm sao mà biết - Cô cứ lên Chùa tìm thầy tu mà hỏi. Giếng cổ, chuyện cổ, tui cũng như cô, có biết chi mô mà trả lời ! Liêm Kỳ Cọ trả miếng gọn lỏn. Chắc bị quê vì bị cho là xuất khẩu thành vè nên mới vậy !
(Còn tiếp: Phần 2 Chương 2: Cổ Lâm Tự và bức thư ngỏ của môn đệ Thiền Phái Lâm Tế Chúc Thánh)

Thứ Sáu, 18 tháng 1, 2013


 Nguyễn Bá Thanh- Hãy cho ông một điểm tựa.

                                                                  Võ Ngọc Thạch
                                                                    
 Từ ngày được ra Ba Đình đến nay, ông Thanh trở thành một “hotman” của Việt Nam. Báo chí lề phải, lề trái đều râm ran, rộn ràng…Nói chung là theo hướng tích cực, mong đợi, kỳ vọng vào những đổi thay tốt đẹp.

 Ông rời Đà Nẵng trong lúc đang ở đỉnh cao phong độ - thật phúc cho ông!. Những gì ông đã làm cho Đà Nẵng, thiết nghĩ khỏi cần luận bàn.
  Ở cương vị mới, ông sẽ làm được những gì? Đây là một ẩn số mà mọi người đang trông đợi. Chống tham nhũng ư (?), ông có dám một mất một còn trên lĩnh vực đầy khó khăn và nguy hiểm này? Hay là ông sẽ “ đá” vài trận giao hữu để bảo toàn gân cốt, cái đích của ông là ở giải V-league 2015 kia- danh giá hơn nhiều!

  Ở V-league sắp tới, nếu ông được trao cho một điểm tựa- ghế thủ tướng ( chẳng hạn), thì, với cốt cách xứ Quảng “chính chủ” kèm tài khuynh loát, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, tất yếu ông sẽ làm nên chuyện, nhiều cái mới ( đối với Việt Nam) sẽ bắt đầu. Nhược bằng không, thì Nguyễn Bá Thanh muôn đời vẫn là Ngoãnh Bá Thiên! Tôi nghĩ ông đủ khôn ngoan để lựa chọn giữa một Bao Công và một tể tướng Lưu Gù, cả hai đều được sử xanh lưu dấu.

  Suy cho cùng, lịch sử như một dòng sông, lên thác, xuống ghềnh, quẹo phải, rẽ trái, mỗi một khúc quanh nó có một hình thái khác, hết thịnh đến suy, hết suy lại thịnh, vô định, vô thường, việc đến sẽ đến, đừng quá kỳ vọng một điều gì để rồi ( có thể ) thất vọng. lắm thay!

Thứ Năm, 17 tháng 1, 2013


Lê Ngọc Bảy- người đóng vai Trần Hưng Nhượng

                                                                                    Huy&Nghi

Lê Ngọc Bảy - Ảnh chụp tại nhà
Photo Anh Dũng
            Tối 14/01/2013, đài Phát thanh Truyền hình Quảng Nam (QRT), trong chương trình Đất và Người xứ Quảng, có giới thiệu về một vị quan trải qua ba đời Vua đó là ông Trần Hưng Nhượng, người làng Khương Mỹ, nay thuộc thôn Mỹ Tân An, xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành, Quảng Nam. Trong phóng sự trên Lê Ngọc Bảy là người đóng vai quan Án Trần Hưng Nhượng.
            Chương trình phát xong, ôi thôi, tên tuổi Bảy nổi như cồn, điện thoại khắp nơi bay về, người quen kẻ lạ đủ cả, đặc biệt là sinh viên khoa Ngữ Văn Trường Đại Học Quảng Nam không thiếu một em (trong số này cũng có một số tranh thủ chúc mừng Thầy để lấy điểm!). Riêng anh em trong nhóm thì khỏi phải nói, ai ai cũng thấy thơm lây ( lời anh Thưởng), kiêu hãnh, tự hào! Trưởng nhóm (làm ra vẻ người lớn): “được, được lắm!” (thực tình, kiếm ở ổng lời khen còn khó hơn tìm nước đái Rồng!), MC thì nay nhìn Bảy với cặp mắt long lanh, ướt ướt, chớp chớp... ( trước đây lúc nào cũng nhìn với “đôi mắt hình viên đạn”) rồi thức trắng hai đêm liền thêu bức tranh với chữ Tâm Phật đem tặng, làm cho có người “ngứa con mắt”, dì H, dì L, thì cứ: ước gì...ước gì! Cô D, mấy đêm liền không ngủ vì trước nhất là cảm giác sung sướng, hạnh phúc lân lân, sau đó là ân hận, tự trách mình vì xưa nay nằm trên đỉnh đồi mà không biết hưởng ánh nắng mặt trời, rồi quay mặt vào tường khóc thút thít!, những giọt nước mắt hạnh phúc nóng hổi lăn dài trên đôi gò má hơi sạm vì tuổi tác.
              Với tôi, qua nghiên cứu tư liệu vị quan này, biết Lê Ngọc Bảy ngoài đời, nhìn Bảy trên film, tôi nói không ngoa tí nào đây là một Trần Hưng Nhượng tái thế, và khen cho QRT có con mắt tinh đời!.
Mời các anh xem video clip


Cổ Lâm ký sự của tác giả Nguyễn Dũng Nam



 "Lời của Blog: Kính thưa quý anh, trong những ngày cuối năm 2012, nhóm cafe G7 đã có chuyến hành hương đầy ý nghĩa về thăm Cổ Lâm Tự - ngôi chùa chí sĩ Trần Cao Vân từng tu trí với pháp danh Như Ý, ở đây, Ngài đã nghiên cứu- trước tác Trung Thiên Dịch, chuẩn bị khởi nghĩa chống Pháp. Sau chuyến đi với nhiều trãi nghiệm đẹp, bổ ích và đầy ý nghĩa đó, CT hội, Nguyễn Dũng Nam đã gửi đến ban quản trị bài viết CỔ LÂM KÝ SỰ. Chúng tôi nhận thấy rằng, đây thực sự là một bài viết rất có giá trị, được đầu tư rất công phu xứng đáng được giới thiệu cùng anh em và bạn đọc. Chúng tôi sẽ chia đăng Cổ Lâm ký sự theo từng chương, giới thiệu nhiều kỳ để phục vụ bạn đọc. Trong kỳ đầu, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu chương Một: Cổ Lâm Tự và cuộc hành hương của Nhóm bạn cafe Tam Kỳ"
Tác giả Nguyễn Dũng Nam
Photo Anh Dũng
LTG: Tác giả là người viết không chuyên, lại hiểu biết ít ỏi về đề tài này, nhưng do vì tâm đắc với lịch sử ngôi chùa và với Cụ Trần Cao Vân nên đã cố gắng ghi lại chuyến thăm ngắn ngủi một ngày đến Cổ Lâm Tự này để kể chuyện với Nhóm Bạn Cà Phê Tam Kỳ, những người không tham gia chuyến đi, với lời hẹn sẽ cố gắng cùng nhau lại về Cổ Lâm vào dịp 24 tháng Giêng âm lịch nhân ngày giỗ Sư tổ của tổ đình này. Người đọc lượng thứ mọi sai sót không tránh khỏi có trong ký sự này, do tài hèn sức mọn của người viết, là một niềm động viên chan chứa ân tình đặc hiệu G7 vậy!                                            NDN

Chương 1: 
CỔ LÂM T Ự VÀ CHUYẾN HÀNH HƯƠNG CỦA NHÓM CAFE TAM KỲ 
Chuyến hành hương của chúng tôi, nhóm bạn cà phê Tam Kỳ, về thăm Cố Lâm Tự ở huyện Đaị Lộc,  Quảng Nam, được thực hiện vào một ngày trời hanh nắng giữa tháng Mười Hai năm 2012 và chuyến đi được kể lại vào đầu năm 2013, chỉ sau hai tuần lễ thế mà đã là năm ngoái rồi!

Nguyên một bữa cà phê sáng mùa Đông se se lạnh tại quán Cà Phê Chú Cuội trên đường Hùng Vương chợt có một anh trong nhóm, không biết căn cớ gì, bỗng đưa ra ý kiến
–       Nè, mấy ông (mặc dầu có quí-cô-hội-viên cùng ngồi đó) có ai biết cái chùa Cổ Lâm chỗ ông Trần Cao Vân đi tu chưa hè? 
Nhìn nhau im lặng !
–       Ủa, bộ mấy ông “nhà báo”  “nhà văn” của nhóm cũng không biết thiệt à?
Lại lặng im nhìn nhau!
–       Thôi được ! Ta rủ nhau đi Cổ Lâm một bữa để mai mốt rủi có ai hỏi đến thì biết mà thưa thốt chớ học trò Trần Cao Vân mà lại không biết chẵn lẻ chi về cái nơi ông tổ mình đã từng đi tu thì có mà họa tới!
Đến lúc này thì chộn rộn…
–       Có lí! – Nói nghe có lí! – Có điều lí lẽ chi cũng hết mưa đã!
… và thế rồi sáng hôm ấy, chủ nhật 16/12/2012, mưa tạnh thật và chuyến hành hương được thực hiện như đã mở đầu!
Photo 1: Cổ Lâm Tự bậy giờ
  
        Sẽ là thiếu nếu không nói đến, nhưng cũng sẽ là quá nếu nói nhiều về cái-gọi-là nhóm-bạn-cà-phê-Tam-Kỳ của chúng tôi, nhưng vì ai đó có nói là – sự đời thường đan xen giữa hai cái đối nghịch là nhầm lẫn và xác đáng, thế nên để phòng cái hậu họa và tránh cái hiểm hoạ nhầm lẫn với các nhóm bạn cà phê khác cũng ở Tam Kỳ , thì tưởng cũng nên để chúng tôi nói về mình chút xíu.

Cái gọi là Nhóm của chúng tôi không có lịch sử hình thành thành văn, hay nói khác đi là lịch sử hình thành trãi dài qua nhiều năm quen biết, dần dà người này phát hiện ở người kia, mọi người phát hiện lẫn nhau là đều có cái thú tiêu khiển chung lấy cà phê buổi sáng làm điểm bắt đầu của một ngày. Ngày nào cũng vậy, dù thứ Hai hay thứ Bảy, cứ trước bảy giờ sáng là có tin của một ai đó trong nhóm gửi qua điện thoại, khi thì nghiêm trang – Tôi kính mời quí bác đến … , lúc lại thân thiết – Mời các hội viên có mặt tại … , họa hoằn lại trân trọng – Em kính mời các anh bỏ chút thì giờ vàng ngọc quá bước đến … , thảng hoặc bông đùa  – Sáng nay có độ lớn, xin đừng bỏ qua tại … Các thành viên của nhóm ai mà trả lời cái tin nhắn này thì i như là sẽ không đến, còn người nhắn tin thì i như là người chủ chi bữa cà phê hôm đó bất luận đến sau hay đi trước cũng như vậy. Thói quen là sự tử tế được chọn lọc và chấp nhận sau nhiều lần thực hiện. Cái nguyên tắc mời và qui luật trả cho mỗi bữa cà phê, cũng như nhiều qui tắc khác, của nhóm chúng tôi được hình thành như vậy. Đến nay nếu xếp theo thứ tự ABC thì thành viên của nhóm cũng lắp gần kín bảng chữ cái, riêng vần T bất ngờ lại chiếm số đông, gồm Thạch, Thắng, Thi, Thưởng, Trân, Triều. Cái sự ngẫu nhiên này cũng làm nên đặc trưng của nhóm là hễ trong nhóm có “vấn đề” chi thì vần T ắt có dính dáng đến!

Về Nhóm thì như vậy. Còn cà phê do đâu mà có?  Xin thưa – chúng tôi tuy khác nhau về tuổi tác, nghề nghiệp, chỗ làm … nhưng cà phê đã kéo chúng tôi đến gần nhau và sự chân thành và cởi mở và các tác nhân sức bền, ví dụ như nguyên tắc nhắn tin như vừa kể, đã khiến chúng tôi hiểu nhau rồi trở nên thân thiết hơn… và rồi cái tên G7 ra đời. G7 thật ra chẳng phải là ám số hay ẩn danh chi mà đơn giản là đến khi nhóm có được 7 người thì cũng là lúc trên thương trường, Cà phê Trung Nguyên, một thương hiệu Việt, đã đưa được hai loại cà phê hòa tan là G7  vào thị trường và cạnh tranh được với Nescafe của Nestle. Nhưng sao lại kêu là G7 mà không là G6, G8 hay G gì khác? G là cái chi chi? Tìm kiếm trên mạng sẽ nghe thấy ông chủ Trung Nguyên trả lời đơn giản – … chọn thương hiệu là G7 vì đó là một cái tên ngắn gọn dễ đọc, dễ nhớ không những với khách hàng trong nước mà cả với khách hàng nước ngoài (trích nguyên văn). Đơn giản là vậy mà chỉ có ông Trung-Nguyên-chính-chủ nói mới tin. Chúng tôi bày tỏ sự đồng tình ủng hộ cà phê Việt, một sáng lập viên của nhóm, bây giờ đã được phong là pháp sư, bèn túm lấy cái nhãn G7 này dán lên nhóm của mình và giải thích G7 của mình khác G7 Trung Nguyên ở chỗ ta có 7 người, một nhóm, một group, một G, yêu mến cà phê Việt Nam. Cũng đơn giản thế thôi!

Đến đây thì ít nhiều cái tên G7 cũng đã được giải thích rõ ràng để rủi có ai giàu trí tưởng tượng lại cho là ẩn số hay ẩn danh gì đó hóa rắc rối, mà đã có rắc rối rồi,  bởi sự việc là vậy nhưng sau này có tin đồn là  – cùng trong thời điểm đó, nhóm bộ trưởng tài chính 7 nước kỹ nghệ tiên tiến - Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật, Liên hiệp Anh và Hoa Kỳ - G7 (Group of Seven), cùng hạ quyết tâm hợp tác ngăn chăn cơn khủng hoảng kinh tế 2007-2008.  Bảy nước ngồi lại gọi là G7 thì ta đây 7 người cũng cứ gọi là G7 có chết chóc chi ai ! Nhóm cà phê có tên G7 là do vậy.  Thật ra đây chỉ là chuyện thêm thắt.

Nói về Nhóm Cà phê G7 Tam Kỳ như thế tưởng cũng đủ để thấy cái sự dài dòng dây cà ra dây muống khi kể chuyện là không nên nhưng nói về cà phê mà không nhắc đến vế đối truyền thừa của nghề cà phê trước khi dừng thấy cũng tiêng tiếc, nhưng nói ra nếu bị kết tội “công xúc tu sĩ” thì cũng oan khiên. Nhưng sự thật là thiên hạ cũng đã xì xầm, cũng bụm miệng cười lâu nay rồi, cơ hội này có nhắc lại cũng là “sao y như bổn cũ” mà thôi; vế đối đó như sau – anh cà phê cà chị cà phê, cà trúng chỗ phê, phê đúng chỗ cà … cà phê ! Bị chú: có tới 5 hoặc 6 vế khác cũng phê như vế này nhưng ôm đồm vào đây sợ đi lạc hướng. Thông cảm.

Trở lại chuyện nhóm cà phê. Thành viên của nhóm chúng tôi tuy có nhiều cái không cùng như đã kể nhưng lại có được một cái cùng, mà cái này lại là cái làm nên sự gắn bó, đó là anh em chúng tôi thảy đều là cựu học sinh trường Trần Cao Vân, Tam Kỳ (trước đây là TCV Tam Kỳ Quảng Tín bây giờ là Quảng Nam, phải gọi như vậy để khỏi nhầm với các quí trường khác cũng mang tên Trần Cao Vân trên địa bàn). Thành viên gọi là “có tuổi” nhất trong nhóm (cho đến khi chưa có thành viên nào cao hơn) cũng mới vừa bước qua cánh cửa “hưởng thọ” hiện đang được phong làm Chủ tịch nhóm. Cái sự tấn phong này xảy ra tại một lần cà phê đông người. Do vì đến sau nên chỉ còn một chiếc ghế bị long chân bỏ trống mà chung quanh không còn ghế nào nên một nhóm viên trẻ đã lém lỉnh nhập vai - Thưa Chủ tịch, vì ghế đã không còn để thay, dẫu có kêu cũng vậy, nên kính mời Chủ tịch ngồi tạm ghế này. Chủ tịch nên cẩn thận cho vì ghế này bị long chân. Phàm cái gì mà có long là thứ chỉ dùng cho vua chúa, vậy nên cái ghế long chân này cũng chỉ dành cho Chủ tịch nhóm chứ không ai dám ngồi ạ! Cái chức Chủ tịch có từ đó!
Photo 2: Nhóm hành hương G7 tại Cổ Lâm Tự
        Hôm đi Cổ Lâm chỉ có được 8 người gồm thứ nhất là người từng được tấn phong ngồi ghế long-chân, là Nam có biệt danh Nam phao, chẳng là người này từng làm việc cho tổ chức fao nên anh em gọi là vậy, thế nhưng cũng có khi bị méo mó là Nam pê đê vì anh này từng làm phiên dịch tại đó, và, người thứ hai, kể theo thứ tự ngồi trước ra sau xe, là lái xe, kiêm chủ xe, kiêm nhà tài trợ phương tiện là anh Yến có biệt danh là Yến Hoa Kiều vì anh này mang họ Lâm, riêng bữa đi Cổ Lâm thì được gọi là Yến Thiệt Thòi do vì anh ôm vô lăng không có được các quyền lợi sau này sẽ kể, và nói như vậy cũng thấy được là Nam phao và Yến Thiệt Thòi đương nhiên là cùng ngồi băng ghế trước. Băng ghế giữa có Thi, biệt danh Thi Ngân Khố, vì đi đâu nhóm cũng giao cho anh phụ trách tài chính kiêm tổng giám đốc kho bạc … nhóm rồi đến Dương có biệt danh Ngài Tiến Sĩ vì anh này đang giữ ghế phó Hiệu trưởng Đại học Quảng Nam và Liêm, người bạn hiện cùng làm nghề dạy học tại Duy Xuyên, người dẫn đường của chuyến đi đã đặt hàng trước; Liêm có biệt danh là Liêm kỳ cọ vì anh là nhà thư pháp bút lông. Băng ghế thứ ba là băng ghế sau có Thạch, người thứ sáu của nhóm và cũng là người thứ sáu tính trên xe.  Xếp Thạch làm Người Thứ sáu không phải ngẫu nhiên mà do cố ý, bởi, Thạch xuất hiện trong nhóm G7 như Friday - người bị hiến tế  may mắn được cứu - xuất hiện trước Robinson trong tiểu thuyết The Life and Strange Surprising Adventures of Robinson Crusoe of York  tức Cuộc đời và những chuyện phiêu lưu kỳ thú của Ro-bin-sơn Cờ-rút-sô của Daniel Defoe. Thạch của nhóm khác với Friday của Robinson ở chỗ Friday được cứu từ pháp trường xử nô lệ, còn Thạch lại chuyên đi cứu người từ vị trí của một bác sĩ tự do.

Người thứ hai ngồi băng sau là Lê Ngọc Bảy cũng là nhân vật thứ bảy của chuyến đi – anh này công tác tại ĐHQN, biết chữ Hán nên ngoài việc dạy học còn nghiên cứu Lý, Bốc, bởi vậy anh được phong là Pháp Sư của nhóm . Hễ cần chi về ngày giờ hung kiết, cả nhóm đều nhờ anh ngắm nghía cho. Trong chuyến hành hương về Cổ Lâm lần này Bảy đã mời, và sau này được cho là đã … lập công phòng sau này có khi chuộc tội … trong việc giới thiệu với nhóm một sử gia đang công tác cùng cơ quan, đó là cô Minh Châu. Anh em cho là Pháp sư hơi lo xa, bởi chuyện chữ nghĩa anh vốn thạo, gặp tấm bia cổ có thể mò mẫm đôi chút rồi cũng dịch được nhưng cái vụ sử liệu thì có khi anh phải nhờ đến chuyên gia. Vậy việc Anh vời Sử gia theo hẳn là có mục đích. Cách lí giải này làm cho nội bộ nhóm có phần đoàn kết hơn … ít ra là khi mới lên xe chọn ghế ngồi.
Bây giờ ngồi đây kể lại chuyến đi mới biết là muốn đến Cổ Lâm, nói không ngoa là nếu có tình, thì cũng dễ như ăn một tô mì Phú Chiêm nếu có tiền, bởi bất kể từ Bắc vô hay từ Nam ra, khách hành hương cũng nên chọn ngã ba Vĩnh Điện đi Phong Thử, trên QL1A, làm chỗ rẽ vì đây chính là con đường đến Cổ Lâm ngắn và dễ đi nhất mà ngã ba Vĩnh Điện đi Phong Thử lại gần như nằm giữa tuyến Đà Nẵng - Tam Kỳ nên vô hay ra cũng suýt soát nhau.  Chọn ngã rẽ để vào xong (mấy anh Việt kiều thì nói là lấy cái exit) khách cũng nên xuống xe thư giãn một chút, và nếu có nhu cầu đổ-bê-tông-nền-nhà-bà-cô-ruột thì Mì Quảng Phú Chiêm sẽ là món quà dọc đường đáng chọn.
Mì Quảng Phú Chiêm ngon ở chỗ sợi mì là mì gạo xuyệc, rau sống là bắp chuối xắt ghém trộn với rau đắng hoặc rau cải con, đậu phộng là đậu rang giã dập, toàn sản phẩm của đất bồi sông Thu; nhưn là thịt heo Đại Lộc đem xíu xắt lát rim với tôm nò nước chè hai tức tôm đất cỡ ngón tay, bắt bằng nò đặt trên vùng của sông nước lợ, và, trời đất ạ ! thêm miếng chanh tươi và trái ớt xanh thì quả là cái dấu nhấn chết người khi cắn rốp một phát mà không cần hỏi cay đến bao nhiêu vì cái giống ớt xanh Đại Lộc bao giờ cũng cay vừa miệng người ăn như đã… lập trình !  Nếu xét về mặt ngôn ngữ thì chỉ hai từ gạo… xuyệc và nước… nhưn cũng đã là thứ ngôn ngữ đặc sản khó tra tự điển góp phần làm nên mì quảng rồi!
Photo 3: Mì quảng Phú Chiêm

Nói về thịt heo có chuyện kể của Yến Hoa Kiều nghe lạ lắm, chuyện thế này – ngày xưa dân ta nói chung gọi giống họ Trư này con lợn, lợn sống tự nhiên ngoài rừng gọi là lợn rừng hoặc lợn lòi, lợn nuôi trong nhà gọi là lợn nhà, con lợn được chọn nuôi đặc biệt để giết thịt làm vật cúng tế gọi là ông ỷ, miếng thịt lợn đem cúng thần gọi là trư nhục … Vì là giống háu ăn và đễ nuôi nên hình như lợn đã trở thành con vật nuôi quen thuộc ở vùng nông thôn ta, cũng vì tính háu ăn này nên phàm ai đó ăn tạp, nhất là ăn hối lộ, thì bị gán cho là ăn như … lợn. Bữa nọ có một anh thứ dân đến cửa quan để thưa chuyện, gặp ông quan này là ông vừa mới bị quan trên trị cho về tội “ăn tạp” này nên khó ở, anh dân thi lễ  - Thưa quan lớn … khốn một nỗi anh này lại là dân xứ Huế mới vô Quảng nên lớn phát âm lớn thành lợn – Thưa quan lợn  … cái chữ “quan lợn” vô tình này như chọc thủng màng nhĩ  tham quan kia nên quan nổi đóa  - Đem ra oánh cho mấy hèo để ăn cho ra ăn nói cho ra nói. Lớn thì lớn mà lợn là lợn. Mần chi có lối nói lớn lợn xàng xê ni ! Mang đòn đau về nhà anh ta ca cẩm với vợ - Tui có biết nói xóc quan đâu ! Chỉ tại cái cổ họng tui nó hại tui. Cha sinh mẹ ra đến chừ  tui vẫn nói lớn với lợn như nhau. Bữa ni nói lớn ra lợn lại ăn hèo. Từ nay về sau tui sẽ kêu con lợn là con hèo để tránh họa. Sự đời không đơn giản vậy!  Một bữa nọ anh kêu “bảy đáp” vô bán mấy con lợn mà nói là bán mấy con hèo, bảy đáp thấy lạ cũng vô, đến hồi biết chuyện cũng mua, nhưng trước khi khiêng lợn đi mới nói lại – ông có tránh thì tránh cho trót, tránh lợn nói ra hèo rủi quan nó bắt tội nó nói hèo là thứ hình phạt dụng ở cửa quan răng lại đem ra giỡn rồi ông tránh đàng mô? Anh nông dân ngớ ra mới than thở – Ừ hỉ! Tránh răng cho được miệng kẻ quan ! Nhưng rứa thì thôi không nói hèo mà nói là heo cho cùng vần cho dễ nói – con heo, con heo ! Từ đó thiên hạ gọi con lợn là con heo mà ít ai biết vì sao như vậy. Rõ là chuyện trên trời dưới đất!

Kể rằng trên bước đường chinh phục phương Nam, tiền nhân ta có khi đặt tên vùng mới khai phá là dựa vào đặc điểm mô tả tự nhiên, vùng Thanh Chiêm có các địa danh như Bàn Thạch (đá xếp thành mảng lớn) Trang Điền (ruộng do san lấp mà nên) Cẩm Sa (đất cát phù sa trãi như gấm) Phong Thử (nơi đón gió)… cũng là vì vậy. Trên đường Phong Thử , sẽ qua hai cây cầu trữ tình trên hai nhánh sông Thu Bồn thơ mộng là Bình Long và Phong Thử, bạn sẽ lần lượt đi qua bốn xã của huyện Điện Bàn hay “tứ điện” là Điện An, Điện Phước, Điện Thọ và Điện Hồng.  Hết Điện Hồng thì đến Ngã tư Ái Nghĩa, điểm nối và là ranh giới hai xã Điện Hồng, Điện Bàn và xã Đại Quang, Đại Lộc. Bạn cũng đừng quá vội mà quên ghé vào quán cà phê Sắc Màu chỗ ngã tư Ái Nghĩa để,  từ mái hiên sau của cafeteria này, ngắm cánh đồng trãi dài  từ thôn Lâm Phụng đến chân đồi Am Thông, thôn Lâm Tây,  để biết rằng đâu đó không còn xa, Cổ Lâm Tự đang trong giai đoạn trùng tu nhưng lúc nào cũng rộng mở đón khách thập phương.
Photo 4: Café Sắc Màu ngã tư Ái Nghĩa
     Con đường liên thôn, thôn Lâm Phụng, rẽ vào khu dân cư dẫn đến Cổ Lâm Tự, thôn Lâm Tây, chỉ vừa đủ cho chiếc Ford 7 chỗ chở tám người chúng tôi (may là ai cũng nhỏ thó) là con đường bê tông xi măng khá tốt. Chỉ chừng hai trăm rưỡi mét là đến Chùa nhưng chúng tôi phải hai lần dừng xe - lần thứ nhất để nhóm thợ đang trộn bê tông xây nhà sát bên đường kéo cái máy trộn bê tông cục mịch của họ đang làm việc giữa lòng đường để xe chúng tôi đi qua. Anh bạn lái xe ban đầu chật lưỡi – Chết tui rồi ! Hắn để máy thi công như ri thì đi răng được quí ông ? và rồi anh ta bình luận tiếp – Phải đổ hết bê tông ni tụi hắn mới cho mình qua ! Thế nhưng sự thật hoàn toàn ngược lại. Khi nghe tiếng còi bin-bin và thấy xe dừng lại, họ kêu nhau í ới và ngay lập tức một nhóm thợ từ bên trong cùng chạy đến và hè nhau đẩy chiếc xe bê tông nép vào vệ đường để xe chúng tôi qua , để rồi ngay sau đó đẩy ra giữa đường để tiếp tục làm việc. Rồi cũng chính bác tài kia chữa thẹn – Công nhận người ta ở đây dễ thương thiệt ! Cánh ngoài kia á hả ! Mình có xuống mà lạy !  Hắn sẽ hỏi mình là đường này có phải là đường của ông nội mình để lại hay không mà đòi dẹp khi người ta đang làm việc ! Chuyện cái xe bê tông chưa xong thì tiếp theo là do người lái xe quẹo nhầm hướng, thay vì quẹo trái rẽ vô chùa anh ta lại quẹo phải hướng ra phía xóm. Thế là phải có người nhảy xuống xe xi nhan để bác tài có thể de lui mà không trượt ra ngoài đường bê tông sụp xuống đất lún. Thi Ngân Khố được thể chọc lét – thằng tài hắn đang cầu nguyện coi có chiếc xe mô đó chở gạch đi ngược chiều để hắn kêu trực thăng đến câu xe hắn qua cho oai ấy mà. Chớ không cầu nguyện mắc chi quẹo phải lãng xẹt như rứa. Ông pê đê ngồi bên đó, tức Nam fao như đã nhắc đến ở chương đầu, cũng mụ mẫm rồi nên có thấy đàng thấy sá chi mô. Chở ngọc sáng trên xe nên ai cũng lóa mắt hết ! Thi Ngân Khố kéo dài chữ lóa rồi tủm tỉm đắc ý với phát biểu của mình. Thi Ngân Khố là anh vợ của Yến Hoa Kiều nên thường hay thọt lét cậu em rể của mình như vậy. Tay cầm vô lăng đương kiêm em vợ kia có ngu ngơ chi mà không hiểu viên ngọc sáng ông anh vợ đang lôi ra chính là cô Minh Châu, người được pháp sư Bảy mời cùng tham gia chuyến đi như đã kể ở chương đầu, nên ăn thua ngay – Thì mấy anh ngồi dưới nứ cứ đổi nhau xuống băng sau ngồi nên đỡ mỏi, nên mắt không mù, còn tui cầm vô lăng trên ni có ai đổi cho mô nên mắt nó mù, đầu óc nó mụ mẫn, thần trí nó lãng xẹt rứa đó !  Lời qua triếng lại chưa xong thì xe đã đỗ xịch trước khu vực cổng chùa.
                                                                                                                                              
(Còn tiếp Chương 2: Cổ Lâm Tự và bức thư ngỏ của môn đệ Thiền Phái Lâm Tế Chúc Thánh)


Thứ Tư, 16 tháng 1, 2013


Lan man chuyện tình
                                                 
                                                                                  Huy&Nghi                                                       
Áo trắng ngày xưa
        Sáng nay (16/1/2013), tại phòng khám mắt BVĐK Vĩnh Đức Điện Bàn, bất ngờ mình gặp lại người xưa, người mà cách đây 33 năm, mình đã một thời “yêu em chết bỏ”! Từ 1986 đến nay, đây là lần đầu tiên mình gặp, nhưng chân thành mà nói, mình không có được những cảm xúc như ngày xưa, có lẻ tình yêu của mình là tình một phía nên chưa thấm được câu thơ : “Cái thưở ban đầu lưu luyến ấy / Ngàn năm hồ dễ mấy ai quên”( Hồ Dzếnh ). Hay biết đâu cơm áo gạo tiền đày đọa tấm thân ta, để bây chừ tim ta hóa đá (?).Cũng may cho đời mình, nàng còn tỉnh táo để không thương hại ta, chứ không thì biết đâu lại...đau khổ!
      
Thôi cũng cám ơn đời, cám ơn em đã cho tôi biết thế nào là nỗi đau của chiếc lá xa cành, nỗi buồn trong chén rượu cay, em cũng giúp tôi " cảm" được với Phạm Đình Chương mà hát " Nửa hồn THƯƠNG ĐAU" trong nước mắt!.

     Trong lĩnh vực yêu đương  này, chắc Dũng đồng cảm với mình nhất, viết vài câu tặng nàng, tặng Dũng để cũng gọi là thơ với đời Dũng nhé!

                             Hai mươi mấy năm trời
                             Bất ngờ tôi gặp lại em
                             Nơi đất khách…
                             Em vẫn như xưa
                             (Tất nhiên có già đi tí xíu)
                             Bâng khuâng
                             Tôi nhớ chuyện ngày xưa
                             Thú thật…
                             Trước biển rộng sông sâu
                             Tôi thề yêu em đến chết!
                             Em có biết…
                                 nhưng rồi thương kẻ khác
                             Để tôi…
                                 tan tác mối tình đầu!

Thứ Hai, 14 tháng 1, 2013


                        Chim yêu gãy cánh!
                                                         Huy&Nghi
                                                                                                                                              
                                                        
Ngày hết tết đến, người ta thường quan tâm đến chuyện “ hoa kiểng” , nhưng ở đời có bông có hoa mà không có chim có bướm thì cũng buồn! Bởi vậy nên mới có bài này, để có thêm nhiều chuyện nói(!), qua đó nhắc nhỏ quí anh cùng bàn dân thiên hạ (nếu ai có quan tâm).
Chuyện như thế này, cách đây mấy hôm, người viết bài này, trong một đêm trực đã mổ cấp cứu cho một bệnh nhân nam, 55 tuổi, bị gãy “ chim”  trong lúc đang “mây mưa” với bạn tình. Đến đây quí vị hiểu cái tựa đề câu khách ở trên rồi đúng không(?). Bây chừ chúng ta nói chuyện nghiêm túc về vấn đề này nhé.
Gãy Dương vật ( penile fracture)  hay còn gọi là vỡ vật hang ( có khi vỡ cả vật xốp ) là tình trạnh dương vật bị gãy trong lúc đang cương cứng. Y học dùng từ “ gãy” mới nghe qua làm người ta liên tưởng ngay đến một cái gì cưng cứng như  xương, như  cây, rồi  gãy xương, gãy cây..chứ ai đời lại dùng cho cái ấy. Nhưng không, y khoa cực kỳ chính xác, khi cương lên dương vật có khác chi khúc gỗ (he he! Đúng không) và dương vật chỉ và chỉ bị gãy trong trạng thái cương cứng mà thôi.   ( trước đây có Bác sĩ dùng phương pháp bó bột để chữa bệnh này, sự thật 100% đó – hu hu! )
Gãy dương vật là một cấp cứu Niệu khoa, bịnh này tuy không thuộc hàng quí hiếm nhưng khá ít gặp, nên thường là “ thời sự” bên ly rượu tách trà khi ai đó không may mắc phải. Nguyên nhân thì nhiều nhưng chiếm đa số là: làm tình với tư thế bất thường (tìm cảm giác lạ), tự bẻ, người tình bẻ, té ngã, v...v.
Theo y văn, bệnh gặp khắp nơi trên thế giới từ cổ chí kim. Bên Âu- Mỹ, người ta thường bị trong lúc vào sân với những pha đi bóng khác thường, kiểu ngựa phi nước đại (nàng trên chàng dưới) là hay gặp nạn nhất, bệnh nhân của tôi ở trên gặp trong tình huống này.Dân châu Á, nhất là vùng Trung cận đông, Việt Nam,… nguyên nhân tự bẻ nổi trội hơn. Đàn ông trung niên và nhất là tuổi teen, buổi sáng thức dậy, bàng quang  đầy nước tiểu, dương vật cương cứng (đây là sinh lý bình thường), gặp nhà nhiều phụ nữ hay ở chung cư, ký túc xá sinh viên,...lại không có toilet riêng, tự thấy “chim đội vải”  chướng tai gai mắt quá, rồi bẻ cái “ cục”, dương vật xìu xuống ngay và ta hiên ngang đi lại giữa đời!.Có thể một vài lần không sao nhưng hãy coi chừng thêm một lần nữa là họa đấy! Việc vợ hay người “ấy” bẻ, thực tế gặp nhiều, hầu hết do ghen tuông (mấy anh lén phén coi chừng!), người viết kính thưa quí dì, quí cô, quí em, chuyện chi còn có đó, nhỏ nhẹ nhắc nhau, xin hãy nhẹ tay cho chúng tôi được nhờ, đàn ông chúng tôi sáng ngậm đắng chiều nuốt cay chứ chẳng có sướng ích gì đâu, chúng tôi suốt đời phấn đấu cũng vì mỗi mục đích: “ Một người khỏe hai người vui” đấy thôi (he...he).
Lại nói về triệu chứng, sau khi nghe tiếng “cục” (giống như tiếng bẻ lóng ngón tay nhưng to hơn) thì đau bắt đầu xuất hiện kèm với sưng nề, bầm tím...ngày một tăng dần. Trường hợp đến muộn dương vật chẳng khác chi quả cà dái dê ( cà tím) trông thật thảm hại đến rơi nước mắt!
Nếu không được chữa trị gì thì sao? (Trước đây nhiều lắm vì xấu hổ, không dám tới BV) thì nó cũng sẽ tự lành, nhưng sau này dương vật chỉ còn chức năng đi đái  mà thôi, thậm chí trong một số trường hợp việc đi đái cũng không xong.
Qua đây, để nói rằng, nếu ai đó không may gặp nạn, thì cứ  “hiên ngang” đến ngay BV, để khỏi ân hận về sau. Riêng thành viên và con cháu thành viên G7, rủi sự cố xảy ra, hãy gọi ngay 0983114090 để được tư vấn và trực tiếp điều trị miễn phí !(quá đã, quá đã!)
Có một kinh nghiệm nhỏ (chưa thấy sách vỡ nào nói tới) cần phổ biến,nói cho con cháu, là chỉ cần một nụ bông, hay một cây tăm xỉa răng, hoặc đầu bút bi...đưa vào lỗ tai ngoáy vài cái là dương vật xìu ngay, đừng bẻ bóp làm gì mà tai họa ( thử ngay biết liền).
.........................................................
Đón đọc kỳ sau: Bướm khóc đời hoa!