BLOG CHƯA ĐẶT TÊN là một trang nội bộ của nhóm anh em G7. Chúng ta, mỗi người một công việc, mỗi người một tuổi tác, mỗi người một gia đình, mỗi người một nỗi lo,... Chúng ta đến với nhau cùng ngắm cafe nhỏ từng giọt đắng, hàn huyên nhau chuyện trên trời dưới đất để vơi đi những căng thẳng đời thường. Blog CHƯA ĐẶT TÊN cũng cùng tiển chỉ đó. Hãy nói với nhau những lời dễ thương, ca ngợi vẻ đẹp cuộc sống, tránh những phiền hà không đáng có. Mỗi người có quyền đưa ra những quan điểm, chính kiến của mình về xã hội nhưng nếu muốn, xin bạn vui lòng chọn ở những blog khác!

Thứ Tư, 23 tháng 1, 2013

Cổ Lâm ký sự của tác giả Nguyễn Dũng Nam



     CHƯƠNG II 
CỔ LÂM TỰ VÀ BỨC THƯ NGỎ CỦA MÔN ĐỆ THIỀN PHÁI TRÚC LÂM (phần 1)


Cổng tam quan của Chùa, như trong hình chụp cũ chúng tôi có được, không còn nữa, mà trên mặt đất la liệt, ngỗn ngang gạch vụn với hằng mấy chục bậc cấp dẫn lên chùa đang trong giai đoạn trùng tu gạch vữa dở dang, và phía trên cao kia thoáng hiện mái Chùa mới lợp.  Khi anh chàng phó nháy của nhóm, là chuyên gia Hán Nôm chứ không ai khác,  giương máy ảnh lên chụp tấm bia Di Tích Lịch Sử ở gốc đại thụ bên trái cổng chùa thì cùng lúc cô giáo Sử, khách mời của Nhóm, cau mày ! Đến lúc coi lại mới biết cái cau mày này là thể hiện sự không bằng lòng khi thấy lời dặn - Không được làm tổn hại đến di tích - được khắc nhòe nhoẹt, nhếch nhác, nhộm màu đen là giòng cuối trong lòng văn bia, trong khi nội dung phía bên trên được khắc âm vào mặt đá sắc sảo bằng chữ in sơn màu đỏ như sau … (trích)  CHÙA CỔ LÂM ĐƯỢC UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM CÔNG NHẬN LÀ DI TÍCH LỊCH SỬ THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 1152 NGÀY 16 THÁNG 8 NĂM 1997.   Nếu lời dặn kia được thể hiện ở một bảng, loại bảng thông báo nhắc nhở, khác thì hơn.

Photo 5 – Bia công nhận Di tích Lịch sử 
cấp Tỉnh Chùa Cổ Lâm
Sau mấy chục phút ngỡ ngàng pha chút bất ngờ của hạnh phúc vi hành đến đích, phó đoàn kiêm thủ quỹ Thi Ngân Khố kêu cả nhóm lại để phân phát thêm nước uống đóng chai và móc túi lấy bài báo photo ra đọc ậm a ậm ừ  … đường vào chùa băng qua một cánh đồng ruộng bậc thang …a … a …thoáng đãng, ngôi chùa nằm trên một ngọn đồi khá cao ư … ư … đất rộng chừng 3 hécta. Qua khỏi cổng tam quan, bước lên những bậc tam cấp chúng ta bắt gặp ư … ư … rồi tiếp - đó, thực tế đang chứng minh bài báo viết đúng sai thế nào rồi !

Mặc cho … ruộng bậc thang chẳng thấy đâu, dù cho … cổng tam quan chỉ còn là gạch vụn và chỉ có … nước đóng chai là có thật đi nữa thì mỗi người vẫn nhận một chai nước rồi tản ra dưới bóng của mấy cây râm mát bên phải và trái cổng chùa. Bảy Pháp Sư, tất nhiên là sánh vai, cùng Châu Sử Ký tác nghiệp ngay.

Bạn đọc sẽ bị bất ngờ khi nghe danh Châu Sử Ký ở đây nhưng cũng nhờ vào cái sự đường đột này nên các bạn sẽ nhận được cái vé-rì só-ri (very sorry) ngập đầy sự cảm thông của người viết do vì hắn ta không kìm hãm được sự nôn nóng cho nhân vật đặc biệt này xuất hiện càng chính danh định phận càng tốt trong biên niên sử của nhóm và càng đàng hoàng rực rỡ càng tốt trong ký sự này. Nghe kêu Châu Sử Ký thì dễ tưởng là một mày râu do cái thanh âm chẳng mềm mại nuột nà mà cứ lên thác xuống ghềnh khúc khuỷu của Châu … Sử … Ký; rồi lại liên tưởng mày râu này nếu không là Chợ Lớn chính hãng thì cũng là Minh Hương chính chủ chớ chẳng chơi và xét theo quan hệ cục-bộ-nhóm thì nếu không là gu-chang của Lâm Hoa Kiều thì cũng có thể là chiêu-phu của Dương Tiến Sĩ. Ấy chết, lại phải só-rị hai ông nạn kiều, Lâm Hoa Kiều và Dương Tiến Sĩ, nữa rồi và cũng phải bóp còi thắng gấp ngay chân Bảy Pháp Sư để được khúm núm chú thích rằng - người viết có lần xem phim Hồng Công, có nghe xưng hô với nhau là gu-chang và chiêu-phu, chừ hiểu rồi nên dùng thử chớ lúc đó thì không hiểu, sau về hỏi lại bà xã ở nhà, vốn có gốc gác người Hoa, mới biết gu-chang tức cô trượng là Dượng là chồng của Cô hoặc Dì, còn chiêu-phu tức cự phụ tức Cậu là anh hoặc em của Mẹ, trong tiếng Hoa ! Giải thích xong vợ còn khen - Chồng em học rộng hiểu nhiều nên thấm thía được ý của câu ngạn ngữ phương Tây - hỏi một câu chỉ dốt trong chốc lát, nhưng không hỏi sẽ dốt nát cả đời . Được lời như cởi tấm lòng mới xăng xái hỏi tiếp – Còn cái ni là cái chi ? Ôi, các quí bạn có biết cái được nói đến là cái gì và phu nhân của người thông minh này trả lời sao không - Ôi, chồng em học rộng mà không thông minh, bởi người thông minh biết học cách hỏi hợp lí, cách lắng nghe chăm chú và ngừng hỏi khi cần, bởi vì không phải bất cứ câu hỏi nào cũng đáng được trả lời ! Kể đến đây thấy lành lạnh, nếu coi kỹ sẽ thấy da gà trên cánh tay vì cái rờn rợn của lời vợ dạy như vẫn âm âm vang vang trong gió. Trời buổi chiều trên đồi Cổ Lâm cũng có gió thật !

Rõ là cà kê dê ngỗng quá rồi phải trở lại chủ đề - nàng là ai ? Xin thưa ! Chớ nghe âm dễ lầm chuông với khánh. Xin kính báo - đây là một mỹ nhân đương triều lúc Dương Tiến Sĩ cầm chịch Tế tửu Quốc Tử Giám Quảng Nam, là biệt danh của Minh Châu được Chủ tịch hội tuyên đặt, sau chuyến đi, để kính cẩn cảm tạ về việc một bức tranh thêu chữ Phật Tâm, do chính tay nàng chăm chút từng mũi kim mà có, đã có chỗ treo trang trọng qua bàn tay chim xanh của Thạch Friday, chứ đang lúc này, lúc Thi Ngân Khố phát chẩn xong và lúc cặp chuyên gia Hán Sử đang tranh hùng (nhái Hán Sở đó mà)  chỗ tấm bia giếng thì đã có tên này đâu ! Tiện thể cũng nói luôn là Minh Châu đã tuyên bố xin gia nhập nhóm, đã có qùa cáp thông quan như đã kể trên, nên đã trở thành hội viên mẹ chị thứ 3. Pháp Sư cũng đã chọn ngày lành tháng tốt để mở tiệc khoản đãi linh đình tại nhà Yến Hoa Kiều rồi. Ai chưa tin thì tìm đọc thêm tại Họp mặt đầu năm - Sự khởi sắc của 2013- G7  của Ngọc Bảy và Có gì mới trong những ngàyđầu năm của Anh Dũng cùng trên blog này. Đọc hai cái đó mới hiểu vì sao và  mới thấy làm sao mà của ngon vật lạ được nhặt nhạnh, thu gom từ mọi miền của Tổ quốc trong những chuyến điền dã, vi hành, công cán khác nhau của một số hội viên được đi đây đi đó đã được mang đến nhân buổi tiệc đặc biệt này. Nói ra thì người có của đem đến cũng thèn thẹn nhưng cũng vênh vênh, ấy là hễ mừng thành viên mới, đặc biệt là em gái bà Trưng bà Triệu, thì dẫu ở nhà bu nó và bầy trẻ có ăn nhín nhịn thèm đến mấy đi nữa thì … của ngon, vật lạ cũng đều được xởi lởi mà mang theo tất. Cứ xem hai cái này sẽ rõ. Người viết xin trở lại chỗ cái giếng xem chuyện gì đang xảy ra.

Tại chỗ nền giếng, nhiều người đang túm tụm lại. Phát hiện đầu tiên mà Pháp Sư kêu cả nhóm đến nghe và coi là tấm bia xi măng dựng phía trên hai giếng trước gần lối đi bên phải lên chùa . Tấm bia không cao to lắm, chế tác cũng  đơn giản bằng xi măng. Bảy Pháp Sư cứ thì thầm, ừ hử điều gì đó với Châu Sử  Ký coi bộ tâm đắc lắm rồi đem máy ảnh ra chụp cận ảnh mấy kiểu còn Dương Tiến Sĩ thì chạy ra xa chụp toàn cảnh. Sau khi chộp được cái toàn cảnh này Dương Tiến Sĩ mới e hèm lên - Có chi bí mật thì cũng bật mí cho anh em biết với chứ đợi đến khi có công đoàn đến dự mới tuyên bố à Thầy Bảy ! Tiến sĩ nói “có công đoàn đến dự” là nội dung câu chữ đầy dụng ý, có ám chỉ, nên Bảy Pháp Sư đón đường ngay - Dạ có chờ chi mô anh. Chẳng qua là có cái máy ảnh mới mua nên chờ công đoàn đến khoe một cái rồi tuyên bố ngay anh à ! Hóa ra là Dương Tiến Sĩ mới sắm được một cái máy ảnh xịn trong chuyến công tác Thái Lan, bữa nay là lần đầu tiên khui niêm tác nghiệp mà không rửa nên Pháp Sư nhắc khéo đó mà ! Lúc này mới thấy Châu Sử Ký cười toe. Nhìn nụ và nghe tiếng cười này mới hiểu hết được ý nghĩa câu nói - Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ là nó nghiệm vào đâu !  Đến lúc này Bảy mới nghiêm túc đọc các giòng chữ trên bia như sau: CUNG BIÊN NGỌC TUYỀN KIM TỈNH THỦYTRIẾT LONG CUNG CHỨNG MINH (dòng giữa). CỔ LÂM TỰ CHỦ TỰ TỊNH BỔN TỰ ĐỒNG TẠO LẬP(dòng bên trái). PHẬT LỊCH NHỊ THIÊN NGŨ BÁCH THẬP BÁT NIÊN TUẾ THỨ ẤT MÙI THU NGOẠT CÁT NHỰT(dòng bên phải). NGUYÊN VĂN HÒA THƯỢNG THÍCH ĐỒNG PHƯỚC PHỤNG LẬP(dòng bên dưới) rồi giảng giải như sau -  nội dung văn bia nói là : để TÔN KÍNH THẦN GIẾNG CHỨNG GIÁM BAN  CHO MẠCH GIẾNG nên SƯ TRỤ TRÌ CHÙA CỔ LÂM là ĐỒNG PHƯỚC DỰNG BIA GHI NHỚ vào một NGÀY LÀNH THÁNG TỐT của MÙA THU NĂM ẤT MÙI. Pháp sư giảng thêm - dựa vào nguyên văn câu chữ thì tấm bia ni được ông Đồng Phước trụ trì nhà chùa lập năm Ất Mùi 1955 tức Phật lịch 2499 nhưng chắc là do biến cố chiến tranh hay hư hại sao đó nên được dựng lại năm 1974 Phật lịch 2518. Nói sao nghe vậy. Nhưng dẫu sao thì cổ nhân cũng đã làm một việc ý nghĩa là sau khi khơi được nguồn mạch quí, sư trụ trì đã lập bia ghi nhớ và chính nội dung trên tấm bia này đã giải thích ngay những thắc mắc đầu tiên của nhóm hành hương chúng tôi. Người dẫn đường, Liêm kỳ cọ hay Liêm Thư Pháp, tham gia nhóm, liền xuất khẩu thành thơ - Tay cầm chai nước đóng chai. Đọc văn bia đá thờ hai giếng chùa ! Kể cũng mau miệng và kể cũng tả chân lắt léo vì ngay tại nơi có hai cái giếng mạch tốt (như bia) mà người lại uống nước đóng chai !

Thấy Liêm Thư Pháp thả cóc ra đường sớm Châu Sử Gia lên tiếng: - Này anh hướng đạo ! Anh làm … vè hay vậy chớ anh có biết hồi xưa cụ Trần Cao Vân ở đây tức vào khoảng các năm 1885 đến 1891 giếng này chưa có, lúc đó nhà chùa uống nước ở giếng mô hè ? Thì ra nhà nghiên cứu sử của chúng ta đang tự thắc mắc chứ … giếng mô hè … thì ai mà biết được, nếu rủi mà có biết thì cũng sử gia biết trước chứ bọn sử … dại như chúng tôi làm sao mà biết - Cô cứ lên Chùa tìm thầy tu mà hỏi. Giếng cổ, chuyện cổ, tui cũng như cô, có biết chi mô mà trả lời ! Liêm Kỳ Cọ trả miếng gọn lỏn. Chắc bị quê vì bị cho là xuất khẩu thành vè nên mới vậy !
(Còn tiếp: Phần 2 Chương 2: Cổ Lâm Tự và bức thư ngỏ của môn đệ Thiền Phái Lâm Tế Chúc Thánh)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét