BLOG CHƯA ĐẶT TÊN là một trang nội bộ của nhóm anh em G7. Chúng ta, mỗi người một công việc, mỗi người một tuổi tác, mỗi người một gia đình, mỗi người một nỗi lo,... Chúng ta đến với nhau cùng ngắm cafe nhỏ từng giọt đắng, hàn huyên nhau chuyện trên trời dưới đất để vơi đi những căng thẳng đời thường. Blog CHƯA ĐẶT TÊN cũng cùng tiển chỉ đó. Hãy nói với nhau những lời dễ thương, ca ngợi vẻ đẹp cuộc sống, tránh những phiền hà không đáng có. Mỗi người có quyền đưa ra những quan điểm, chính kiến của mình về xã hội nhưng nếu muốn, xin bạn vui lòng chọn ở những blog khác!

Thứ Năm, 17 tháng 1, 2013

Cổ Lâm ký sự của tác giả Nguyễn Dũng Nam



 "Lời của Blog: Kính thưa quý anh, trong những ngày cuối năm 2012, nhóm cafe G7 đã có chuyến hành hương đầy ý nghĩa về thăm Cổ Lâm Tự - ngôi chùa chí sĩ Trần Cao Vân từng tu trí với pháp danh Như Ý, ở đây, Ngài đã nghiên cứu- trước tác Trung Thiên Dịch, chuẩn bị khởi nghĩa chống Pháp. Sau chuyến đi với nhiều trãi nghiệm đẹp, bổ ích và đầy ý nghĩa đó, CT hội, Nguyễn Dũng Nam đã gửi đến ban quản trị bài viết CỔ LÂM KÝ SỰ. Chúng tôi nhận thấy rằng, đây thực sự là một bài viết rất có giá trị, được đầu tư rất công phu xứng đáng được giới thiệu cùng anh em và bạn đọc. Chúng tôi sẽ chia đăng Cổ Lâm ký sự theo từng chương, giới thiệu nhiều kỳ để phục vụ bạn đọc. Trong kỳ đầu, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu chương Một: Cổ Lâm Tự và cuộc hành hương của Nhóm bạn cafe Tam Kỳ"
Tác giả Nguyễn Dũng Nam
Photo Anh Dũng
LTG: Tác giả là người viết không chuyên, lại hiểu biết ít ỏi về đề tài này, nhưng do vì tâm đắc với lịch sử ngôi chùa và với Cụ Trần Cao Vân nên đã cố gắng ghi lại chuyến thăm ngắn ngủi một ngày đến Cổ Lâm Tự này để kể chuyện với Nhóm Bạn Cà Phê Tam Kỳ, những người không tham gia chuyến đi, với lời hẹn sẽ cố gắng cùng nhau lại về Cổ Lâm vào dịp 24 tháng Giêng âm lịch nhân ngày giỗ Sư tổ của tổ đình này. Người đọc lượng thứ mọi sai sót không tránh khỏi có trong ký sự này, do tài hèn sức mọn của người viết, là một niềm động viên chan chứa ân tình đặc hiệu G7 vậy!                                            NDN

Chương 1: 
CỔ LÂM T Ự VÀ CHUYẾN HÀNH HƯƠNG CỦA NHÓM CAFE TAM KỲ 
Chuyến hành hương của chúng tôi, nhóm bạn cà phê Tam Kỳ, về thăm Cố Lâm Tự ở huyện Đaị Lộc,  Quảng Nam, được thực hiện vào một ngày trời hanh nắng giữa tháng Mười Hai năm 2012 và chuyến đi được kể lại vào đầu năm 2013, chỉ sau hai tuần lễ thế mà đã là năm ngoái rồi!

Nguyên một bữa cà phê sáng mùa Đông se se lạnh tại quán Cà Phê Chú Cuội trên đường Hùng Vương chợt có một anh trong nhóm, không biết căn cớ gì, bỗng đưa ra ý kiến
–       Nè, mấy ông (mặc dầu có quí-cô-hội-viên cùng ngồi đó) có ai biết cái chùa Cổ Lâm chỗ ông Trần Cao Vân đi tu chưa hè? 
Nhìn nhau im lặng !
–       Ủa, bộ mấy ông “nhà báo”  “nhà văn” của nhóm cũng không biết thiệt à?
Lại lặng im nhìn nhau!
–       Thôi được ! Ta rủ nhau đi Cổ Lâm một bữa để mai mốt rủi có ai hỏi đến thì biết mà thưa thốt chớ học trò Trần Cao Vân mà lại không biết chẵn lẻ chi về cái nơi ông tổ mình đã từng đi tu thì có mà họa tới!
Đến lúc này thì chộn rộn…
–       Có lí! – Nói nghe có lí! – Có điều lí lẽ chi cũng hết mưa đã!
… và thế rồi sáng hôm ấy, chủ nhật 16/12/2012, mưa tạnh thật và chuyến hành hương được thực hiện như đã mở đầu!
Photo 1: Cổ Lâm Tự bậy giờ
  
        Sẽ là thiếu nếu không nói đến, nhưng cũng sẽ là quá nếu nói nhiều về cái-gọi-là nhóm-bạn-cà-phê-Tam-Kỳ của chúng tôi, nhưng vì ai đó có nói là – sự đời thường đan xen giữa hai cái đối nghịch là nhầm lẫn và xác đáng, thế nên để phòng cái hậu họa và tránh cái hiểm hoạ nhầm lẫn với các nhóm bạn cà phê khác cũng ở Tam Kỳ , thì tưởng cũng nên để chúng tôi nói về mình chút xíu.

Cái gọi là Nhóm của chúng tôi không có lịch sử hình thành thành văn, hay nói khác đi là lịch sử hình thành trãi dài qua nhiều năm quen biết, dần dà người này phát hiện ở người kia, mọi người phát hiện lẫn nhau là đều có cái thú tiêu khiển chung lấy cà phê buổi sáng làm điểm bắt đầu của một ngày. Ngày nào cũng vậy, dù thứ Hai hay thứ Bảy, cứ trước bảy giờ sáng là có tin của một ai đó trong nhóm gửi qua điện thoại, khi thì nghiêm trang – Tôi kính mời quí bác đến … , lúc lại thân thiết – Mời các hội viên có mặt tại … , họa hoằn lại trân trọng – Em kính mời các anh bỏ chút thì giờ vàng ngọc quá bước đến … , thảng hoặc bông đùa  – Sáng nay có độ lớn, xin đừng bỏ qua tại … Các thành viên của nhóm ai mà trả lời cái tin nhắn này thì i như là sẽ không đến, còn người nhắn tin thì i như là người chủ chi bữa cà phê hôm đó bất luận đến sau hay đi trước cũng như vậy. Thói quen là sự tử tế được chọn lọc và chấp nhận sau nhiều lần thực hiện. Cái nguyên tắc mời và qui luật trả cho mỗi bữa cà phê, cũng như nhiều qui tắc khác, của nhóm chúng tôi được hình thành như vậy. Đến nay nếu xếp theo thứ tự ABC thì thành viên của nhóm cũng lắp gần kín bảng chữ cái, riêng vần T bất ngờ lại chiếm số đông, gồm Thạch, Thắng, Thi, Thưởng, Trân, Triều. Cái sự ngẫu nhiên này cũng làm nên đặc trưng của nhóm là hễ trong nhóm có “vấn đề” chi thì vần T ắt có dính dáng đến!

Về Nhóm thì như vậy. Còn cà phê do đâu mà có?  Xin thưa – chúng tôi tuy khác nhau về tuổi tác, nghề nghiệp, chỗ làm … nhưng cà phê đã kéo chúng tôi đến gần nhau và sự chân thành và cởi mở và các tác nhân sức bền, ví dụ như nguyên tắc nhắn tin như vừa kể, đã khiến chúng tôi hiểu nhau rồi trở nên thân thiết hơn… và rồi cái tên G7 ra đời. G7 thật ra chẳng phải là ám số hay ẩn danh chi mà đơn giản là đến khi nhóm có được 7 người thì cũng là lúc trên thương trường, Cà phê Trung Nguyên, một thương hiệu Việt, đã đưa được hai loại cà phê hòa tan là G7  vào thị trường và cạnh tranh được với Nescafe của Nestle. Nhưng sao lại kêu là G7 mà không là G6, G8 hay G gì khác? G là cái chi chi? Tìm kiếm trên mạng sẽ nghe thấy ông chủ Trung Nguyên trả lời đơn giản – … chọn thương hiệu là G7 vì đó là một cái tên ngắn gọn dễ đọc, dễ nhớ không những với khách hàng trong nước mà cả với khách hàng nước ngoài (trích nguyên văn). Đơn giản là vậy mà chỉ có ông Trung-Nguyên-chính-chủ nói mới tin. Chúng tôi bày tỏ sự đồng tình ủng hộ cà phê Việt, một sáng lập viên của nhóm, bây giờ đã được phong là pháp sư, bèn túm lấy cái nhãn G7 này dán lên nhóm của mình và giải thích G7 của mình khác G7 Trung Nguyên ở chỗ ta có 7 người, một nhóm, một group, một G, yêu mến cà phê Việt Nam. Cũng đơn giản thế thôi!

Đến đây thì ít nhiều cái tên G7 cũng đã được giải thích rõ ràng để rủi có ai giàu trí tưởng tượng lại cho là ẩn số hay ẩn danh gì đó hóa rắc rối, mà đã có rắc rối rồi,  bởi sự việc là vậy nhưng sau này có tin đồn là  – cùng trong thời điểm đó, nhóm bộ trưởng tài chính 7 nước kỹ nghệ tiên tiến - Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật, Liên hiệp Anh và Hoa Kỳ - G7 (Group of Seven), cùng hạ quyết tâm hợp tác ngăn chăn cơn khủng hoảng kinh tế 2007-2008.  Bảy nước ngồi lại gọi là G7 thì ta đây 7 người cũng cứ gọi là G7 có chết chóc chi ai ! Nhóm cà phê có tên G7 là do vậy.  Thật ra đây chỉ là chuyện thêm thắt.

Nói về Nhóm Cà phê G7 Tam Kỳ như thế tưởng cũng đủ để thấy cái sự dài dòng dây cà ra dây muống khi kể chuyện là không nên nhưng nói về cà phê mà không nhắc đến vế đối truyền thừa của nghề cà phê trước khi dừng thấy cũng tiêng tiếc, nhưng nói ra nếu bị kết tội “công xúc tu sĩ” thì cũng oan khiên. Nhưng sự thật là thiên hạ cũng đã xì xầm, cũng bụm miệng cười lâu nay rồi, cơ hội này có nhắc lại cũng là “sao y như bổn cũ” mà thôi; vế đối đó như sau – anh cà phê cà chị cà phê, cà trúng chỗ phê, phê đúng chỗ cà … cà phê ! Bị chú: có tới 5 hoặc 6 vế khác cũng phê như vế này nhưng ôm đồm vào đây sợ đi lạc hướng. Thông cảm.

Trở lại chuyện nhóm cà phê. Thành viên của nhóm chúng tôi tuy có nhiều cái không cùng như đã kể nhưng lại có được một cái cùng, mà cái này lại là cái làm nên sự gắn bó, đó là anh em chúng tôi thảy đều là cựu học sinh trường Trần Cao Vân, Tam Kỳ (trước đây là TCV Tam Kỳ Quảng Tín bây giờ là Quảng Nam, phải gọi như vậy để khỏi nhầm với các quí trường khác cũng mang tên Trần Cao Vân trên địa bàn). Thành viên gọi là “có tuổi” nhất trong nhóm (cho đến khi chưa có thành viên nào cao hơn) cũng mới vừa bước qua cánh cửa “hưởng thọ” hiện đang được phong làm Chủ tịch nhóm. Cái sự tấn phong này xảy ra tại một lần cà phê đông người. Do vì đến sau nên chỉ còn một chiếc ghế bị long chân bỏ trống mà chung quanh không còn ghế nào nên một nhóm viên trẻ đã lém lỉnh nhập vai - Thưa Chủ tịch, vì ghế đã không còn để thay, dẫu có kêu cũng vậy, nên kính mời Chủ tịch ngồi tạm ghế này. Chủ tịch nên cẩn thận cho vì ghế này bị long chân. Phàm cái gì mà có long là thứ chỉ dùng cho vua chúa, vậy nên cái ghế long chân này cũng chỉ dành cho Chủ tịch nhóm chứ không ai dám ngồi ạ! Cái chức Chủ tịch có từ đó!
Photo 2: Nhóm hành hương G7 tại Cổ Lâm Tự
        Hôm đi Cổ Lâm chỉ có được 8 người gồm thứ nhất là người từng được tấn phong ngồi ghế long-chân, là Nam có biệt danh Nam phao, chẳng là người này từng làm việc cho tổ chức fao nên anh em gọi là vậy, thế nhưng cũng có khi bị méo mó là Nam pê đê vì anh này từng làm phiên dịch tại đó, và, người thứ hai, kể theo thứ tự ngồi trước ra sau xe, là lái xe, kiêm chủ xe, kiêm nhà tài trợ phương tiện là anh Yến có biệt danh là Yến Hoa Kiều vì anh này mang họ Lâm, riêng bữa đi Cổ Lâm thì được gọi là Yến Thiệt Thòi do vì anh ôm vô lăng không có được các quyền lợi sau này sẽ kể, và nói như vậy cũng thấy được là Nam phao và Yến Thiệt Thòi đương nhiên là cùng ngồi băng ghế trước. Băng ghế giữa có Thi, biệt danh Thi Ngân Khố, vì đi đâu nhóm cũng giao cho anh phụ trách tài chính kiêm tổng giám đốc kho bạc … nhóm rồi đến Dương có biệt danh Ngài Tiến Sĩ vì anh này đang giữ ghế phó Hiệu trưởng Đại học Quảng Nam và Liêm, người bạn hiện cùng làm nghề dạy học tại Duy Xuyên, người dẫn đường của chuyến đi đã đặt hàng trước; Liêm có biệt danh là Liêm kỳ cọ vì anh là nhà thư pháp bút lông. Băng ghế thứ ba là băng ghế sau có Thạch, người thứ sáu của nhóm và cũng là người thứ sáu tính trên xe.  Xếp Thạch làm Người Thứ sáu không phải ngẫu nhiên mà do cố ý, bởi, Thạch xuất hiện trong nhóm G7 như Friday - người bị hiến tế  may mắn được cứu - xuất hiện trước Robinson trong tiểu thuyết The Life and Strange Surprising Adventures of Robinson Crusoe of York  tức Cuộc đời và những chuyện phiêu lưu kỳ thú của Ro-bin-sơn Cờ-rút-sô của Daniel Defoe. Thạch của nhóm khác với Friday của Robinson ở chỗ Friday được cứu từ pháp trường xử nô lệ, còn Thạch lại chuyên đi cứu người từ vị trí của một bác sĩ tự do.

Người thứ hai ngồi băng sau là Lê Ngọc Bảy cũng là nhân vật thứ bảy của chuyến đi – anh này công tác tại ĐHQN, biết chữ Hán nên ngoài việc dạy học còn nghiên cứu Lý, Bốc, bởi vậy anh được phong là Pháp Sư của nhóm . Hễ cần chi về ngày giờ hung kiết, cả nhóm đều nhờ anh ngắm nghía cho. Trong chuyến hành hương về Cổ Lâm lần này Bảy đã mời, và sau này được cho là đã … lập công phòng sau này có khi chuộc tội … trong việc giới thiệu với nhóm một sử gia đang công tác cùng cơ quan, đó là cô Minh Châu. Anh em cho là Pháp sư hơi lo xa, bởi chuyện chữ nghĩa anh vốn thạo, gặp tấm bia cổ có thể mò mẫm đôi chút rồi cũng dịch được nhưng cái vụ sử liệu thì có khi anh phải nhờ đến chuyên gia. Vậy việc Anh vời Sử gia theo hẳn là có mục đích. Cách lí giải này làm cho nội bộ nhóm có phần đoàn kết hơn … ít ra là khi mới lên xe chọn ghế ngồi.
Bây giờ ngồi đây kể lại chuyến đi mới biết là muốn đến Cổ Lâm, nói không ngoa là nếu có tình, thì cũng dễ như ăn một tô mì Phú Chiêm nếu có tiền, bởi bất kể từ Bắc vô hay từ Nam ra, khách hành hương cũng nên chọn ngã ba Vĩnh Điện đi Phong Thử, trên QL1A, làm chỗ rẽ vì đây chính là con đường đến Cổ Lâm ngắn và dễ đi nhất mà ngã ba Vĩnh Điện đi Phong Thử lại gần như nằm giữa tuyến Đà Nẵng - Tam Kỳ nên vô hay ra cũng suýt soát nhau.  Chọn ngã rẽ để vào xong (mấy anh Việt kiều thì nói là lấy cái exit) khách cũng nên xuống xe thư giãn một chút, và nếu có nhu cầu đổ-bê-tông-nền-nhà-bà-cô-ruột thì Mì Quảng Phú Chiêm sẽ là món quà dọc đường đáng chọn.
Mì Quảng Phú Chiêm ngon ở chỗ sợi mì là mì gạo xuyệc, rau sống là bắp chuối xắt ghém trộn với rau đắng hoặc rau cải con, đậu phộng là đậu rang giã dập, toàn sản phẩm của đất bồi sông Thu; nhưn là thịt heo Đại Lộc đem xíu xắt lát rim với tôm nò nước chè hai tức tôm đất cỡ ngón tay, bắt bằng nò đặt trên vùng của sông nước lợ, và, trời đất ạ ! thêm miếng chanh tươi và trái ớt xanh thì quả là cái dấu nhấn chết người khi cắn rốp một phát mà không cần hỏi cay đến bao nhiêu vì cái giống ớt xanh Đại Lộc bao giờ cũng cay vừa miệng người ăn như đã… lập trình !  Nếu xét về mặt ngôn ngữ thì chỉ hai từ gạo… xuyệc và nước… nhưn cũng đã là thứ ngôn ngữ đặc sản khó tra tự điển góp phần làm nên mì quảng rồi!
Photo 3: Mì quảng Phú Chiêm

Nói về thịt heo có chuyện kể của Yến Hoa Kiều nghe lạ lắm, chuyện thế này – ngày xưa dân ta nói chung gọi giống họ Trư này con lợn, lợn sống tự nhiên ngoài rừng gọi là lợn rừng hoặc lợn lòi, lợn nuôi trong nhà gọi là lợn nhà, con lợn được chọn nuôi đặc biệt để giết thịt làm vật cúng tế gọi là ông ỷ, miếng thịt lợn đem cúng thần gọi là trư nhục … Vì là giống háu ăn và đễ nuôi nên hình như lợn đã trở thành con vật nuôi quen thuộc ở vùng nông thôn ta, cũng vì tính háu ăn này nên phàm ai đó ăn tạp, nhất là ăn hối lộ, thì bị gán cho là ăn như … lợn. Bữa nọ có một anh thứ dân đến cửa quan để thưa chuyện, gặp ông quan này là ông vừa mới bị quan trên trị cho về tội “ăn tạp” này nên khó ở, anh dân thi lễ  - Thưa quan lớn … khốn một nỗi anh này lại là dân xứ Huế mới vô Quảng nên lớn phát âm lớn thành lợn – Thưa quan lợn  … cái chữ “quan lợn” vô tình này như chọc thủng màng nhĩ  tham quan kia nên quan nổi đóa  - Đem ra oánh cho mấy hèo để ăn cho ra ăn nói cho ra nói. Lớn thì lớn mà lợn là lợn. Mần chi có lối nói lớn lợn xàng xê ni ! Mang đòn đau về nhà anh ta ca cẩm với vợ - Tui có biết nói xóc quan đâu ! Chỉ tại cái cổ họng tui nó hại tui. Cha sinh mẹ ra đến chừ  tui vẫn nói lớn với lợn như nhau. Bữa ni nói lớn ra lợn lại ăn hèo. Từ nay về sau tui sẽ kêu con lợn là con hèo để tránh họa. Sự đời không đơn giản vậy!  Một bữa nọ anh kêu “bảy đáp” vô bán mấy con lợn mà nói là bán mấy con hèo, bảy đáp thấy lạ cũng vô, đến hồi biết chuyện cũng mua, nhưng trước khi khiêng lợn đi mới nói lại – ông có tránh thì tránh cho trót, tránh lợn nói ra hèo rủi quan nó bắt tội nó nói hèo là thứ hình phạt dụng ở cửa quan răng lại đem ra giỡn rồi ông tránh đàng mô? Anh nông dân ngớ ra mới than thở – Ừ hỉ! Tránh răng cho được miệng kẻ quan ! Nhưng rứa thì thôi không nói hèo mà nói là heo cho cùng vần cho dễ nói – con heo, con heo ! Từ đó thiên hạ gọi con lợn là con heo mà ít ai biết vì sao như vậy. Rõ là chuyện trên trời dưới đất!

Kể rằng trên bước đường chinh phục phương Nam, tiền nhân ta có khi đặt tên vùng mới khai phá là dựa vào đặc điểm mô tả tự nhiên, vùng Thanh Chiêm có các địa danh như Bàn Thạch (đá xếp thành mảng lớn) Trang Điền (ruộng do san lấp mà nên) Cẩm Sa (đất cát phù sa trãi như gấm) Phong Thử (nơi đón gió)… cũng là vì vậy. Trên đường Phong Thử , sẽ qua hai cây cầu trữ tình trên hai nhánh sông Thu Bồn thơ mộng là Bình Long và Phong Thử, bạn sẽ lần lượt đi qua bốn xã của huyện Điện Bàn hay “tứ điện” là Điện An, Điện Phước, Điện Thọ và Điện Hồng.  Hết Điện Hồng thì đến Ngã tư Ái Nghĩa, điểm nối và là ranh giới hai xã Điện Hồng, Điện Bàn và xã Đại Quang, Đại Lộc. Bạn cũng đừng quá vội mà quên ghé vào quán cà phê Sắc Màu chỗ ngã tư Ái Nghĩa để,  từ mái hiên sau của cafeteria này, ngắm cánh đồng trãi dài  từ thôn Lâm Phụng đến chân đồi Am Thông, thôn Lâm Tây,  để biết rằng đâu đó không còn xa, Cổ Lâm Tự đang trong giai đoạn trùng tu nhưng lúc nào cũng rộng mở đón khách thập phương.
Photo 4: Café Sắc Màu ngã tư Ái Nghĩa
     Con đường liên thôn, thôn Lâm Phụng, rẽ vào khu dân cư dẫn đến Cổ Lâm Tự, thôn Lâm Tây, chỉ vừa đủ cho chiếc Ford 7 chỗ chở tám người chúng tôi (may là ai cũng nhỏ thó) là con đường bê tông xi măng khá tốt. Chỉ chừng hai trăm rưỡi mét là đến Chùa nhưng chúng tôi phải hai lần dừng xe - lần thứ nhất để nhóm thợ đang trộn bê tông xây nhà sát bên đường kéo cái máy trộn bê tông cục mịch của họ đang làm việc giữa lòng đường để xe chúng tôi đi qua. Anh bạn lái xe ban đầu chật lưỡi – Chết tui rồi ! Hắn để máy thi công như ri thì đi răng được quí ông ? và rồi anh ta bình luận tiếp – Phải đổ hết bê tông ni tụi hắn mới cho mình qua ! Thế nhưng sự thật hoàn toàn ngược lại. Khi nghe tiếng còi bin-bin và thấy xe dừng lại, họ kêu nhau í ới và ngay lập tức một nhóm thợ từ bên trong cùng chạy đến và hè nhau đẩy chiếc xe bê tông nép vào vệ đường để xe chúng tôi qua , để rồi ngay sau đó đẩy ra giữa đường để tiếp tục làm việc. Rồi cũng chính bác tài kia chữa thẹn – Công nhận người ta ở đây dễ thương thiệt ! Cánh ngoài kia á hả ! Mình có xuống mà lạy !  Hắn sẽ hỏi mình là đường này có phải là đường của ông nội mình để lại hay không mà đòi dẹp khi người ta đang làm việc ! Chuyện cái xe bê tông chưa xong thì tiếp theo là do người lái xe quẹo nhầm hướng, thay vì quẹo trái rẽ vô chùa anh ta lại quẹo phải hướng ra phía xóm. Thế là phải có người nhảy xuống xe xi nhan để bác tài có thể de lui mà không trượt ra ngoài đường bê tông sụp xuống đất lún. Thi Ngân Khố được thể chọc lét – thằng tài hắn đang cầu nguyện coi có chiếc xe mô đó chở gạch đi ngược chiều để hắn kêu trực thăng đến câu xe hắn qua cho oai ấy mà. Chớ không cầu nguyện mắc chi quẹo phải lãng xẹt như rứa. Ông pê đê ngồi bên đó, tức Nam fao như đã nhắc đến ở chương đầu, cũng mụ mẫm rồi nên có thấy đàng thấy sá chi mô. Chở ngọc sáng trên xe nên ai cũng lóa mắt hết ! Thi Ngân Khố kéo dài chữ lóa rồi tủm tỉm đắc ý với phát biểu của mình. Thi Ngân Khố là anh vợ của Yến Hoa Kiều nên thường hay thọt lét cậu em rể của mình như vậy. Tay cầm vô lăng đương kiêm em vợ kia có ngu ngơ chi mà không hiểu viên ngọc sáng ông anh vợ đang lôi ra chính là cô Minh Châu, người được pháp sư Bảy mời cùng tham gia chuyến đi như đã kể ở chương đầu, nên ăn thua ngay – Thì mấy anh ngồi dưới nứ cứ đổi nhau xuống băng sau ngồi nên đỡ mỏi, nên mắt không mù, còn tui cầm vô lăng trên ni có ai đổi cho mô nên mắt nó mù, đầu óc nó mụ mẫn, thần trí nó lãng xẹt rứa đó !  Lời qua triếng lại chưa xong thì xe đã đỗ xịch trước khu vực cổng chùa.
                                                                                                                                              
(Còn tiếp Chương 2: Cổ Lâm Tự và bức thư ngỏ của môn đệ Thiền Phái Lâm Tế Chúc Thánh)


1 nhận xét:

  1. Cái ni hay đây nghe!Mấy bữa lu bu giải quyết hậu quả chuyến du Nam dzề nên chẳng dzô blog.Nay đỡ rồi,bà con mần tiếp đi.Mình chờ xem rồi tính sau,mới chương thứ nhứt mà...từ từ nhận xét...đi đâu mà lo ?!

    Trả lờiXóa