Nằm viện mà như ở nhà
Cầm cuốn sổ bảo hiểm y tế rách bươm, ông Đoàn Ngọc Thanh đi về phía dãy ghế bóng loáng, thư thái ngồi xuống. Ông đang hồi hộp chờ đợi vợ mình được nhập viện, điều trị miễn phí ở Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng.>> Bàn thắng lớn nhất của “ngôi sao” Nguyễn Bá Thanh
>> Sự thật chưa kể về ông Nguyễn Bá Thanh
>> Giao thông “lạ” chỉ có ở Đà Nẵng
Nhìn cảnh ông Thanh ăn vội trái chuối trong lúc chờ vợ mình là bà Nguyễn Thị Én đi xét nghiệm mà thương cho những phận đời khốn khó vì bệnh tật hiểm nghèo.
Đang đau mà khuây khỏa lắm
Khi nghe tin Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng chính thức mở cửa đón bệnh nhân (từ ngày 15-1), mới 4g sáng ngày 18-1 ông Thanh cùng bà Én khăn gói từ Quảng Ngãi ra Đà Nẵng. Không đi xe đò vì “ngoài tiền vé còn tiền xe thồ từ bến đến viện nữa, tốn lắm”, nên hai vợ chồng ông chấp nhận chạy xe máy.
Vợ chồng ông Thanh, bà Én được Ngọc Uyên - nhân viên hướng dẫn của bệnh viện - chăm sóc tại khu vực phòng chờ bệnh viện |
“Mặc mấy cái áo rồi mà ra nửa đường, lạnh quá phải dừng lại nhờ chị bán bánh mì bên đường sưởi ấm mới đi tiếp chứ vợ tôi không chịu nổi, nhỡ ngã lăn ra đó thì nguy” – ông Thanh tâm sự. Hơn hai năm điều trị ở Bệnh viện Chợ Rẫy với tám lần xạ trị nên giờ nhìn khuôn mặt bà Én xanh xao thấy rõ.
“Vợ tôi bị ung thư đại tràng. Đã hai lần phẫu thuật cắt bỏ một phần nhưng căn bệnh quái ác vẫn không buông tha. Gần hai năm rồi, gia sản có bao nhiêu bán hết sạch, vậy mà cũng chẳng đâu vào đâu”. Vừa nói đôi mắt ông Thanh vừa ứa lệ. Những giọt nước mắt lăn dài trên đôi gò má người đàn ông 55 tuổi khiến nhiều người ngồi cạnh chạnh lòng.
Cũng khánh kiệt như vợ chồng ông Thanh, ông Võ Ngãi (62 tuổi, Điện Bàn, Quảng Nam) dù đang được điều trị ở Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng nhưng vẫn còn cảm giác như trong mơ. Hỏi ra mới biết năm ngày trước, bà Hương (vợ ông) còn phải gồng sức đứng xếp hàng chờ khám ở Bệnh viện Chợ Rẫy với số thứ tự 800.
Vợ chồng ông Ngãi làm ruộng, nhưng cứ 20 ngày lại phải bay vào TP.HCM để điều trị thuốc một lần và mỗi chuyến như vậy đi đứt cả chục triệu đồng. “Bệnh tình ông vậy mà giờ đi xe đò là chết liền. Vậy nên mỗi khi vào Chợ Rẫy là phải bán heo, gà… mà đi máy bay. Đi mãi giờ cũng hết cái để bán rồi” – bà Hương buồn bã nói. Nỗi ám ảnh về tiền nhiều hơn bệnh tật của mỗi lần đi Sài Gòn điều trị khiến ông Ngãi nhiều lần nghĩ đến cái chết. Bà Hương kể bác sĩ khám xong nói “cứ yên tâm chữa bệnh, hộ nghèo thì miễn phí hết toàn bộ”. “Đang đau mà nghe rứa là sướng, khuây khỏa lắm chú à” – ông Ngãi tâm sự thật lòng.
Bốn năm trời mang trong mình căn bệnh ung thư bàng quang, hai lần phải lên bàn mổ là chừng ấy lần ông Khôi (43 tuổi, Hòa Minh, Liên Chiểu, Đà Nẵng) phải mang giấy tờ nhà đi cầm cố. Những cuốc xe thồ của người đàn ông tiều tụy này không bù đắp được chi phí hàng trăm triệu đồng cho những lần vào viện. “Lắm lúc chán nản, nghĩ quẩn, tui định chết đi cho xong. Nhưng thương con còn dại quá mà không đành” – ông Khôi tâm sự.
Vậy nên dù đau đớn đến mấy, ông Khôi vẫn ráng ra bến xe kiếm một vài cuốc xe ôm lấy tiền phụ giúp vợ. Nhưng mỗi lần bưng bê nặng, tối về ông tiểu ra máu, lại nhập viện. Cho đến ngày hôm kia, đọc báo xong, vợ ông hớt hải báo tin mừng: “Có bệnh viện chữa ung thư miễn phí nè ông ơi”. Vậy là hai vợ chồng khăn gói xin nhập viện chỉ với một tờ giấy chứng nhận hộ nghèo. “Tui nghe miễn phí hoàn toàn mà ngỡ ngàng quá chú à” – ông Khôi nói với ánh mắt mừng vui.
Niềm hi vọng của bệnh nhân nghèo
Hình ảnh những cô điều dưỡng với ánh mắt thật tươi, miệng luôn cười chào khiến ít ai có thể nghĩ rằng đây lại là bệnh viện, mà lại là bệnh viện dành cho những người mắc căn bệnh hiểm nghèo. Uyên, cô gái Huế vừa tốt nghiệp đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng đang làm nhiệm vụ hướng dẫn tiếp nhận bệnh nhân, nói chân tình: “Bệnh viện mới mở cửa đúng ba hôm mà em gặp nhiều tình cảnh éo le lắm. Nhiều người đến khám bệnh nghèo không tưởng anh ạ. Em chỉ tiếc mới ra trường không có nhiều tiền để giúp họ”. Vậy là Uyên giúp các bệnh nhân bằng việc cố gắng chỉ dẫn thật chu đáo, bệnh nhân khát nước thì rót nước mời, ai mệt thì đưa xe lăn đẩy đi. Các hộ lý chăm sóc đến mức bà Tăng Thị Cứ (74 tuổi, Hòa Khánh Nam, Liên Chiểu, Đà Nẵng) phải thốt lên: “Mấy đứa chăm sóc khiến bà cứ nghĩ mình đang ở nhà”.
Không chỉ người bệnh được chăm sóc ân cần, người nhà bệnh nhân cũng được bệnh viện lo chu đáo khi mỗi người được cho một căn phòng nằm ở khu nhà dành riêng cho người thăm nuôi với đầy đủ tiện nghi từ gường đến tủ đựng tư trang, bình nước nóng lạnh. Tất cả sạch sẽ tươm tất và miễn phí cho người nghèo. Bà Hương nói mà như khóc: “Ngày trước nằm bệnh viện có khi nào tôi được một giấc ngủ tròn. Bây giờ ra đây chồng nằm giường ấm, còn mình cũng có nơi để nghỉ ngơi, đỡ cực lắm”. Không chỉ được ngủ – nghỉ miễn phí, ngay cả bữa ăn của bệnh nhân và người nhà cũng được bệnh viện “bao” trọn gói. Bếp ăn từ thiện nằm ở tầng trệt khiến nhiều bệnh nhân ấm lòng.
Theo bác sĩ Trịnh Lương Trân – giám đốc Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng, ngoài việc chữa trị miễn phí cho bệnh nhân nghèo, nếu người bệnh có hoàn cảnh quá khó khăn, Hội Bảo trợ phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh sẽ tìm cách hỗ trợ về kinh tế, tặng kế sinh nhai để họ có cuộc sống ổn định. Cũng theo lời bác sĩ Trân, bệnh viện đang triển khai thêm khoa điều trị tâm lý cho các bệnh nhân bị ung thư giai đoạn cuối. “Nói nôm na là bệnh viện sẽ bố trí một khu vực dành riêng cho các bệnh nhân giai đoạn cuối. Ở đó hằng ngày sẽ có bác sĩ, y tá chuyên trị tâm lý đến nói chuyện để động viên họ vui vẻ, yêu đời hơn và nếu nhỡ may có chết cũng thanh thản. Cứ coi như đây là nhà của họ vậy” – bác sĩ Trân giải thích.
Đã hơn 11 giờ trưa, khu tiếp bệnh của bệnh viện vẫn nườm nượp người, trong thành phố cũng có mà ngoại tỉnh cũng nhiều. Tất cả họ đến với một ánh mắt tràn đầy hi vọng. “Nhiều người bệnh nghèo gặp tôi đều nói một câu “Trăm sự nhờ bác (bác sĩ)”. Còn chúng tôi thì nói vui lại rằng: có được bệnh viện này cũng “trăm sự nhờ bác Thanh” (ông Nguyễn Bá Thanh – bí thư Thành ủy Đà Nẵng). Chính ông Thanh là người khởi xướng xây dựng Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng rồi bếp ăn từ thiện đầy nhân ái này” – bác sĩ Trân nói.
(Nguồn: Từ website của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét