MÓN LẠ
Bsdilinh
Bsdilinh
Đầu tiên xin độc giả đừng
ngộ nhận tôi chơi chữ giống như “nước lạ” vì cái món ở đây thành thật mà nói
nói hơi bị lạ vì nhiều lẽ: thứ nhất quá đơn giản, đơn giản đến độ như … phân số
tối giản, thứ nhì tôi chưa thấy ở đâu có nguyên bản hay pha tạp một chút cũng
được, thứ ba món này không bao giờ hiện diện hoặc nâng lên thành quán được vì
từ bao đời nay nó luôn ở vỉa hè, thứ tư đây là thứ quà vặt như người miền bắc
vẫn gọi hay ăn hàng của người miền nam và ăn xế của người miền trung. Đối với
các bà, các cô thậm chí các ông có máu ăn vặt thì tiêu chí để chọn món là: món
gì vừa rẻ lại vừa ngon, lại vừa no lâu là các cô khó tính, sành ăn và hay xét
nét. Trời ạ! Hỏi đâu trong một món ăn đơn giản lại đáp ứng nhiều tiêu chí đến
thế, nhưng có đấy vì món này đáp ứng tất cả các tiêu chí đó, không tin ăn vào
biết ngay.
Tôi có anh bạn rất “tâm
đầu ý hợp” vì thứ nhất chúng tôi đồng
nghiệp, cùng cơ quan, cùng thích nhạc Trịnh, cùng không ưa nơi ồn ào… và cùng
thích ăn quà vặt, anh này ăn đến độ cô hàng rong mỗi khi thấy tôi lại hỏi sao
không thấy anh đến ăn hay là chuyển công tác. Đúng thật anh bạn đã chuyển công
tác vào Sài gòn, mỗi khi đến thăm, nói gì, làm gì và ăn gì dứt khoát phải có
món này cho anh. Dọc đường Phan Chu Trinh, những salon điện máy, shop thời trang,
tiệm thuốc tây, thuốc bắc…sáng choang, ầm ỷ, tấp nập, đó là ở phía ngoài ngã ba
Nam ngải (nay gọi là ngã tư) bạn hãy lửng thửng đi vô sẽ cảm nhận được mật độ
dân cư ít hơn, hàng quán ít hơn và mùi thị thành vơi đi ít nhiều, qua khỏi nhà
thờ Tin lành độ trăm mét phía bên trái có vài cây bàng sồn sồn, những lá già
vung vải trên vỉa hè, vài chiếc còn tiếc nối lơ lững trên cành, đong đưa giùng
giằng chao lượn vài vòng trên không rồi nhẹ nhàng đậu trên yên của những chiếc
xe môtô đời mới. Gọi là quán không đúng vì không bao giờ có bảng hiệu, gọi là
hàng rong cũng hơi cưởng ép vì nó luôn nằm cạnh một hàng ăn khác như bún, cháo,
mì. Cũng chẳng có bàn riêng, tất cả quay quanh người bán hàng thành hình chữ U.
Một ngày trong thành phố, không lúc nào là không có hàng quà. Mỗi giờ là một
thứ khác nhau, ăn quà cũng là một nghệ thuật, ăn đúng cái giờ ấy và chọn người
bán ấy, mới là người sành ăn đó là tầm 7 đến 8 giờ ở quán bà Lựu.
Đúng là tối giản, tất cả
là ba cái băng ghế gỗ cao khoản 40 phân, thực khách đều hội tụ vào tâm là bà
chủ trước mặt một mẹt tre chứa những chiếc bánh đường kính khoản 10 phân và
mỏng đến độ không thể mỏng hơn được, xếp chồng lên nhau tạo thành vòng tròn
theo thứ tự lớp lan, cạnh bên một bao nylon đựng một thứ làm từ gạo, chiên dòn
bằng ngón tay cái người lớn được gọi là ram. Phía bên phải bà chủ có 3 thẩu,
một thẩu đựng thứ nước sền sệt, lợn cợn đậu phụng màu ngà ngà, một thẩu đựng
mắm cái có pha lẫn thơm, ớt, một thẩu đựng tương ớt để phục vụ cho những ai
thích hít hà. Không muỗng, đủa, rau, củ hoa hòe, hoa sói. Người ăn chỉ cần ngồi
vào chổ trống, bà chủ dùng ngón cái tách nhẹ mí bánh, khẽ khàng đặt vào một
miếng ram và cuộn tròn lần lượt từng cái một theo chiều kim đồng hồ, không vội
vả, không chậm chạm khoảng một phút ta có một dĩa bánh. Người ăn chỉ một việc
đơn giản tay phải cầm bánh, tay trái cầm chén nước nhưn (mắm cái hay tương),
quẹt vừa phải cuộn bánh vào nước chấm cảm giác mát lạnh của đầu lưỡi khi chạm
vào tấm lụa mỏng được làm từ gạo và cảm giác mặn của mắm cái hay ngòn ngọt của
tương được nhấn mạnh bởi vị cay nồng của ớt xứ Tiên, chưa hết đâu tai ta nghe
tiếng răng rắc, giòn rụm của ram, vị giác hòa lẫn thính giác, cứ thế, cứ thế mà
ăn, mà hít, điểm đặc biệt là vừa hết cuốn gần cuối là có ngay những cuốn khác
khiến cuộc ăn không bị lỗi nhịp. Không biết tôi có quá hay không triết lý của
bánh là chỗ giống như vùng đất mà nó sinh ra, bề ngoài thì mềm mỏng, chân thật
có thể nhìn xuyên thấu được, không cầu kì, không nhưn nhị, hoa lá, nhưng bao bọc bên
trong một sự rắn rỏi, nóng nảy, dể gãy, dể hòa nhập, lại cố chấp. Thôi chuyện
ăn mà bàng luận chi nhiều cho mất ngon, đây lại là ăn vặt cái gọi là vặt để cho
cuộc sống này thêm hương vị, đở đói lòng khi lỡ bửa, đó là món bánh ướt hay còn
gọi là bánh ram mà quê tôi gọi là bánh “rôm”.
Tam kỳ, ngày
mồng 5 Tết Quý Tỵ
Bác phải báo trước để em chụp vài cai hình minh họa chớ. Vậy là mai em tốn mười ngàn bánh quấn rồi đây!!!?
Trả lờiXóaBài này của Bs Đinh Lý ( Trường Cao Đẳng YT Quảng Nam), thấy zui zui, nên post lên anh em đọc cho vui đấy mà!
Trả lờiXóa